TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI - Trang 329

ánh sáng đích thực, không đo lường bằng các kích thước hay giới hạn bởi hình
thù to hay nhỏ, nhưng khắp nơi là vô hạn, vì nó lớn hơn mọi thước đo và cao hơn
mọi số lượng; khi bạn thấy mình đã trở thành như thế, bạn đã trở thành cái nhìn;
bạn có thể tin tưởng nơi chính bạn; bạn đã đi lên cao và không cần ai chỉ cho bạn
thấy; hãy tập trung cái nhìn của bạn và hãy nhìn. Chỉ điều này mới là con mắt để
bạn thấy vẻ đẹp vĩ đại. Nhưng nếu ai nhìn với con mắt mờ và yếu, không thanh
sạch và hèn nhát, họ không thể nhìn vào những gì sáng chói, họ không nhìn thấy
gì cả, cho dù có ai đã chỉ cho họ cái gì đang có đó và có thể thấy được. Vì người
ta chỉ có thể nhìn thấy bằng một thị lực được làm cho trở nên giống với cái được
nhìn. Không con mắt nào có thể nhìn thấy mặt trời nếu trước đó nó không được
trở nên giống mặt trời, cũng như không linh hồn nào có thể nhìn thấy cái đẹp nếu
không trở nên đẹp. Bạn trước hết phải trở nên hoàn toàn giống như thần và hoàn
toàn xinh đẹp nếu bạn muốn nhìn thấy Thượng đế và cái đẹp. Trước hết linh hồn
phải vươn tới trí khôn và ở đó nó sẽ biết các Mô Thể hoàn toàn đẹp, và sẽ khẳng
định rằng các Mô Thể này, các ý niệm, là đẹp; vì mọi vật đẹp là nhờ các ý niệm
này, nhờ các sản phẩm và yếu tính của trí khôn. Cái vượt lên trên điều này thì
chúng ta gọi là bản tính Thiện, nhìn cái đẹp như một tấm gương trước mắt nó. Vì
vậy, nói trên đại thể, Sự Thiện là cái đẹp cơ bản; nhưng nếu ta phân biệt các sự
vật khả niệm [với Sự Thiện], ta sẽ nói rằng vị trí của các Mô Thể là cái đẹp khả
niệm, nhưng Sự Thiện là cái vượt lên trên, là "nguồn mạch và căn nguyên" của
cái đẹp; hay ta sẽ đặt Sự Thiện và cái đẹp cơ bản trên cùng bình diện. Tuy nhiên,
bất luận thế nào, cái đẹp là thế giới khả niệm.

PLOTIN, Ennéades

1. Vẻ duyên dáng chứng tỏ sự can thiệp trực tiếp của Nhất thể hay của Điều
Thiện, thêm vào sự tham thông (la participation) của đối tượng khả giác vào vẻ
đẹp khả niệm (la beauté intelligible).

2. Từ mượn ở đối thoại Phèdre của Platon.

3. Xem đối thoại Phèdre.

4. Hồi niệm về Aristote: con mắt của bức tượng, vì vô hồn, nên không có khả
năng nhìn thấy.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.