được bảo lưu rồi phát triển, thì ta có thể tự hỏi đâu là những đóng góp riêng của
Trung cổ. Đọc những bộ lịch sử triết học truyền thống, câu trả lời được nhanh
chóng tìm thấy: chẳng có gì! Chúng ta hãy thử đọc trang này của Janet và Séailles
(Historie de la philosophie, p.998) - đây thực sự là một tập hợp của những định
kiến: "Trước tiên, điểm nổi bật của triết học vào thời Trung cổ, là sự lạm dụng thế
giá (l’abus de l’autorité). Người ta tin rằng chân lý đã được tìm ra, đó là trong các
sách thánh và trong những tác phẩm của các triết gia thời cổ, mà người ta chỉ việc
làm lộ ra… Như vậy người ta có thể nói rằng, trong lãnh vực triết học, thời Trung
cổ chỉ là sự kéo dài của thời Thượng cổ. Phán đoán này càng đúng ở chỗ khoa lô-
gích kinh viện không phải được khai sinh từ thời Trung cổ: nó đã bắt đầu với các
triết gia Khắc Kỷ. Điểm nổi bật thứ nhì của triết học thời Trung cổ là tính chuộng
hình thức, sự lạm dụng phương pháp tam đoạn luận. Người ta ít lưu tâm đến việc
thiết lập những nguyên lý đúng, hơn là diễn dịch ra những hệ quả từ những
nguyên lý được chấp nhận mà không qua khảo hạch".
Sẽ là vô ích khi chần chừ nấn ná với khái niệm "thế giá". Chỉ cần lưu ý rằng ở
đây các sử gia lẫn lộn giữa hai điều: một đàng, bản văn thế giá (le texte
autoritaire) - mà ngày nay ta gọi là trích văn (extrait) hay dẫn chứng (citation) -
tạo cơ sở cho tiến trình lập luận (fondant une argumentation) mà nhịp thứ hai
luôn luôn là "lý luận" (le raisonnement), đàng khác, là lập luận thế giá
(l’argument d’autorité) nhờ đó người ta nâng đỡ hay khép lại một cuộc tranh luận.
Chức năng của bản văn thế giá có nhiều mặt, hay nói đúng hơn, là đa trị
(pluraliste): những "thế giá" (thường là của cùng một tác giả) luôn luôn viện ra lý
luận bênh và chống (le pour et le contre). Như vậy, vấn đề không phải là như
trong lập luận thế giá, chấm dứt hay khống chế một cuộc trao đổi bằng cách cầu
viện đến một thế giá đạo đức hay trí thức - chẳng hạn nói rằng: "Đó là ý kiến của
Aristote, vậy tôi nhất trí"; trái lại, vấn đề là chỉ ra những căng thẳng, nêu bật lên
những chỗ bất tương dung (les incompatibilités) và những dị biệt chúng nuôi
dưỡng và đa bội vấn đề. Việc cầu viện đến những thế giá như vậy cho phép đem
Aristote đối lập với chính ông và "kịch tính hoá" (dramatiser) vấn đề. Lập luận
thế giá là hình thức kinh viện của đối thoại, một cuộc tranh biện giữa những
chuyên gia đi trước quyết định triết học và được tổ chức bởi triết gia, người dệt
nên tấm vải học thuật.