(2) Xin xem quyển Les Présocratiques của J.P. Dumont phần bàn về ảnh hưởng
của Héraclite đối với y sư Hippocrate nhân nói về nghệ thuật.
HIPPOLYTE (Giáo sĩ La Mã và nhà văn Hy Lạp, tử đạo vào thế kỷ thứ ba)
Con đường đi lên và đi xuống
Cũng là một thôi (a)
HIPPOLYTE, Phi bác mọi tà thuyết.
Ø BIỆN CHỨNG PHÁP, HOÀ ĐIỆU, MÂU THUẪN, LÝ TÍNH, NGUYÊN LÝ.
a. Nếu người ta chấp nhận rằng hành động và thụ động cũng là một, tuy vậy
không phải vì chúng có một khái niệm đồng nhất diễn tả niệm tính (quiddité) của
chúng, như quần áo và y phục thì là một thứ, mà như con đường từ Thèbes đến
Athènes cũng là một với con đường từ Athènes đến Thèbes.
(Aristote, Vật lý.)
Con người và Định mệnh
Logos là chung cho mọi người và mọi sự. Bằng câu đó Héraclite diễn tả tính phổ
quát của lý trí. Hẳn là có một số người hành động như kẻ mất trí. Nhưng mọi con
người có một linh hồn bất tử và thiêng liêng, một phần của ngọn lửa trời, và có
khả năng chọn lựa sống một cuộc đời hợp lý, thuận theo tự nhiên và quy luật của
Định mệnh.
SEXTUS EMPIRICUS (Y sĩ và triết gia phái Hoài nghi của Hy Lạp, thế kỷ thứ
hai)
Héraclite, vì ông còn tin rằng con người có hai cơ quan để biết chân lý, đó là cảm
giác và lý trí, nhận định rằng trong hai cơ quan này, thì cảm giác không đáng tin
cậy, trong khi ông đặt lý trí làm tiêu chuẩn. Thật vậy, ông khước từ cảm giác khi
nói rằng: Đôi mắt và đôi tai là những nhân chứng gian trá cho những tâm hồn
điếc đối với ngôn ngữ của chúng. Như vậy chẳng khác gì nói rằng: "Đặc điểm
của những tâm hồn ấu trĩ là tin tưởng vào những giác quan không lý trí (1).