TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI - Trang 388

Chức năng của lập luận gọi là hữu thể học (l’argument ontologique), được gán
cho thánh Anselme, hình như là tìm kiếm một trung gian giữa hai mệnh đề: Tôi
quan niệm Thiên Chúa là gì nếu như Thiên Chúa hiện hữu và Thiên Chúa hiện
hữu. Tuy nhiên, việc phân tích chứng lý của Anselme thường bị nhiễu bởi toàn bộ
những kiểu công thức hoá về sau mà, với Descartes, đã cho chứng lý này hoàn
toàn nằm trên sự kiện rằng "người ta không thể quan niệm điều gì khác hơn là chỉ
Thiên Chúa thôi với hiện hữu thuộc về yếu tính một cách tất yếu". Trong thực tế,
hướng đi của thánh Anselme có khác - nơi ông chưa có "hữu thể luận", cũng chưa
có quan niệm tiên khởi về "yếu tính" và về "hiện hữu": tất cả nằm trên mối liên
hệ giữa tư tưởng và sự hoàn hảo, hay nếu người ta muốn, trên tính tất yếu của sự
hiện hữu của cái tối đa bên ngoài tinh thần (la nécessité de l’existence du
maximum hors de l’esprit) ngay khi mà điều này được thực sự nghĩ đến như là
"cái - mà - người - ta - không - thể - nghĩ - được - một - cái - gì - lớn - hơn".

Rằng Thiên Chúa thực sự hiện hữu (Que Dieu est véritablement)

Được tạo ra trong khung cảnh luận chiến (un contexte polémique) - vấn đề là
phản bác những luận đề phê phán của Gaunilon, một tu sỹ ở Marmoutiers, gần
thành Tours -, chứng lý của thánh Anselme được tách ra thành hai lập luận bổ túc
(mà, vả chăng, có người coi là hai chứng lý riêng biệt): "trong tư tưởng và trong
thực tế có cái - mà - người - ta - không - thể - nghĩ - được - một - cái - gì - lớn -
hơn" (chương II); sự không hiện hữu của cái - mà - người - ta - không - thể - nghĩ
- được - một - cái - gì - lớn - hơn, thì không thể nghĩ được (chương III).

Vậy, lạy Chúa là đấng soi sáng đức tin, xin ban cho con hiểu được, theo Chúa xét
là thích hợp nhất, rằng Chúa hiện hữu như chúng con tin Chúa hiện hữu, và Chúa
là đúng như điều chúng con tin.

Bây giờ chúng con tin là Chúa là một cái gì mà người ta không thể nghĩ được một
cái gì lớn hơn nữa (a). Hoặc có thể nào một cái gì có bản chất (1) như thế lại
không hiện hữu không, vì "kẻ khờ dại tự nhủ trong lòng chúng, làm gì có Thiên
Chúa" (Thánh vịnh 13)? (b). Nhưng khi chính kẻ khờ này nghe được điều con
đang nói, đó là "cái - mà - người - ta - không - thể - nghĩ - được - một - cái - gì -
lớn - hơn", chắc chắn họ cũng hiểu được cái họ nghe, và cái họ hiểu thì có trong
trí khôn họ (2), mặc dù họ không hiểu rằng cái đó thực sự hiện hữu (c).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.