phủ nhận) về cái gì mình có thể biết. Trong một chương dài của bộ Essais, được
đặt tựa đề Biện hộ cho Raimond Sebond, ông khai triển ý tưởng về sự yếu đuối
của lý trí con người, nhưng cũng là niềm xác tín của ông rằng chân lý là duy nhất
và tuyệt đối, và rằng con người được sinh ra để truy cầu chân lý, chứ không phải
để sở hữu. Thái độ hoài nghi của ông ở đây là một thứ hoài nghi có phương pháp
nhưng ông không xâm lăng tất cả mọi lãnh vực của nhân cách: chính vì thế mà
trực quan và tín ngưỡng ở ngoài tầm với của chủ nghĩa hoài nghi. Không có hai
thứ chân lý, một chân lý của lý trí và một chân lý của niềm tin, mà chỉ có một
chân lý, chân lý được điều phối bởi Thiên Chúa, và chỉ có niềm tin mới cho phép
tiếp cận .
Chủ nghĩa hoài nghi của thời Phục hưng có thể mang nhiều phương diện khác
nhau nhưng thường thì nó hoàn toàn tương hợp với tín ngưỡng. Nhưng không vì
thế mà nó không đánh dấu một sự treo lửng phán đoán đối với những nghiên cứu
và những kết luận của các nhà thông thái. Có khuynh hướng muốn lượng giá rằng
tất cả mọi giả thuyết đều "tám lạng nửa cân" cả và rằng mọi ý kiến của quý vị
triết gia và các nhà thông thái trình diễn một kịch cảnh đầy những tình huống
mâu thuẫn và những sắc màu tương phản, người theo chủ nghĩa hoài nghi sẽ
chẳng chịu sắp hàng vào vị thế nào trong vũ trụ luận của Ptolémée mà cũng
không hề thích thú với hệ thống của Copernic hay của Kepler và việc khám phá
ra châu Mỹ cũng chẳng làm cho lòng anh ta rung động… đậy chút nào! (Đó là
trường hợp của Montaigne).
Trào lưu hoài nghi ở thời Phục hưng là cốt yếu trong quá trình phát triển những lý
thuyết tri thức luận. Nó đưa nhà tư tưởng đến chỗ tự đặt ra những câu hỏi trọng
tâm: Tri thức chúng ta đến từ đâu? Chúng ta có thể biết được gì? Đâu là độ tin
cậy của những tri thức của chúng ta?
Chủ nghĩa Épicure và chủ nghĩa Épicure Cơ đốc giáo
Ngay từ thời Trung cổ, một triết gia như Pierre Abélard đã ném bỏ bức biếm họa
"những con lợn của Épicure" do nhà thơ Horace trình bày. Về phần mình, thánh
Thomas d’Aquin, trong khi tỏ ý tiếc rằng khoái lạc đã được đồng hoá với sự thiện
tối cao, vẫn tán thành cuộc tranh đấu mà Épicure hô hào chống lại những thói
xấu, với tính cách là những yếu tố có hại cho sự bừng nở trọn vẹn của khoái lạc.