Chủ nghĩa Khắc Kỷ mới
Cũng như hầu hết mọi nền triết lý khác của Thượng cổ Hy Lạp, chủ nghĩa khắc
kỷ đã phát huy ảnh hưởng - và ngay cả là một ảnh hưởng sâu xa - trên tư tưởng
thời Phục hưng. Giáo hội chưa bao giờ kết án chủ nghĩa khắc kỷ. Chỉ có Pascal
sau này sẽ trách các triết gia khắc kỷ về lòng kiêu ngạo mà ông cho là bất tương
hợp với lòng khiêm hạ Cơ đốc giáo.
Những triết gia khắc kỷ vào cuối thế kỷ mười sáu, đặc biệt là Juste Lipse người
Flamand và Guillaume du Vair người Pháp, trong các tác phẩm của họ cố gắng
chứng minh rằng đức hạnh khắc kỷ và niềm tin Cơ đốc hoàn toàn tương hợp
nhau. Đó cũng là một câu trả lời cho những cuộc nội chiến đẫm máu đã xâu xé
Bắc Âu trong nửa sau của thế kỷ này. Trong một thời kỳ đặc trưng bởi tình trạng
vô chính phủ về chính trị và sự hỗn loạn tinh thần thì chủ nghĩa khắc kỷ tỏ ra là
một khuôn mẫu lành mạnh. Tác phẩm của Lipse Về đức an nhiên giữa những đại
hoạ đề ra một đức hạnh tích cực, một phẩm chất tương ứng với sức mạnh của tính
kiên cường không gì lay chuyển được, sức mạnh đề kháng lại nghịch cảnh và
những kẻ thù cụ thể. Những công trình nghiên cứu của Lipse về Sénèque càng
củng cố những ý tưởng của ông. Ông nghĩ rằng nền triết học đạo đức được diễn tả
bởi nhà tư tưởng ngoại đạo này vào thế kỷ thứ nhất sau Jesus Christ đã khiến cho
ông ta trở thành hầu như là một Cơ đốc nhân. Trong một tác phẩm khác dành cho
chủ nghĩa khắc kỷ, Lipse còn hoà giải mạnh mẽ hơn những học thuyết của
Sénèque và Épictète với những tín điều Cơ đốc giáo khi đối chiếu lại sự khinh
thường của cải, danh vọng thế gian và khát vọng hướng về những giá trị hằng cửu
trong hai nền tư tưởng này.
Du Vair, viết cho độc giả Pháp, đi đến cùng những kết luận như Lipse, trong bộ
Triết học đạo đức của phái khắc kỷ. Ông cũng dịch Épictète, thêm vào đó những
châm ngôn và những thí dụ do ông chọn. Kiểm soát những cảm xúc của mình
nhờ vào ý chí đúng đắn, để đạt đến sự sáng suốt điềm nhiên của tinh thần và sự
bình an nội tâm: đó là quy tắc sống chính yếu của trường phái khắc kỷ mới - thật
ra, cũng giống như chủ nghĩa khắc kỷ thời cổ, nhưng có thêm hậu thuẫn của Cơ
đốc giáo.
Triết học thiên nhiên