Các triết sử gia thường hiểu nội hàm của nhóm từ "các triết gia về thiên nhiên",
trong khung cảnh xác định của thời Phục hưng, bao gồm rất nhiều nhà tư tưởng
được nuôi dưỡng từ mọi nguồn triết học ngoại đạo, những thủ đắc của Do Thái
giáo, của thần học Cơ đốc giáo, hay của tư tưởng Hồi giáo, nhưng họ cũng quan
tâm tới những gì mà sự quan sát trực tiếp các hiện tượng thiên nhiên đem lại và
cởi mở đối với những phương tiện không thuần lý để tìm hiểu thế giới, đã toan
tính trình bày những hệ thống giải thích vũ trụ đoạn tuyệt với học thuyết Aristote
và vũ trụ luận theo tân thuyết Platon. Những nền triết học thiên nhiên này bao
gồm cả những hình thức đa dạng của khoa học huyền bí hay các học thuyết bí
truyền, cả ma thuật hay cả bí truyền thư Do Thái và Cơ đốc. Người ta có thể kèm
vào đó phong trào giả kim thuật (alchimie), với Paracelse, chưa bao giờ mạnh mẽ
đến thế bằng thời Phục hưng.
Tất cả đều đặt kinh nghiệm làm nền tảng cho những nghiên cứu của mình. Họ đã
đọc và tiêu hoá nhiều sách vở, nhưng họ thấy không có gì bằng việc giải mã trực
tiếp quyển sách của thiên nhiên, hay ít ra, những dấu hiệu khả kiến đưa đến
những bí nhiệm khôn dò đối với trí tuệ con người, mà họ coi như là nguyên nhân
vận động hay nguyên nhân cứu cánh của những hiện tượng mà giác quan có thể
cảm nhận hay kinh nghiệm có thể truy cập. Không gì đặc trưng hơn cho thái độ
siêu hình và những nguyên tắc phương pháp luận này hơn là lập trường của y sỹ-
triết gia-nhà thông thiên học Paracelse, người quay lưng lại với tiếng Latinh, với
việc giảng huấn đại học, với Aristote và những y sư chính thống, để tự mình mày
mò tìm kiếm những dược thảo hay những thứ kim loại có khả năng trị bệnh, vì
những tương hệ (affinités) mà chúng phô bày với nhau, trong một hệ thống vũ trụ
luận ở đó tiểu vũ trụ - con người - tương ứng với đại vũ trụ - thiên nhiên - và nơi
đó có cả một hệ thống những loại suy, tương đồng nối kết với một tinh tú nào đấy
vào một cơ quan nào đấy nơi con người và với một kim loại nào đấy. Một triết gia
thiên nhiên khác, được biết bởi hệ thống mà ông trình bày trong tác phẩm Về nền
triết học huyền bí (De la philosophie ocáculte), Cornelle Agrippa de Nettesheim,
nghĩ rằng con người thuộc về ba thế giới: thế giới địa cầu của những yếu tố, thế
giới những thiên thể và thế giới tinh thần. Luôn luôn con người tiểu vũ trụ là mối
liên lạc hữu thể học giữa những thế giới này, điều giúp cho con người hiểu biết
được cả ba thế giới. Con người - tiểu vũ trụ phản ánh nhất - tính hài hoà của đại
vũ trụ. Nhờ thế mà tâm hồn con người có khả năng biết được những cảm khí