tương tác (effluves) giữa các sự vật, những tiềm năng mà chúng ẩn tàng và có thể
được vận dụng nhờ pháp thuật (pouvoir magique).
Như thế, thuyết duy nghiệm của các triết gia thiên nhiên này không hề giống với
sự mò mẫm mơ hồ nào, hay những thí nghiệm chỉ để xem chơi. Nếu nó đã muốn
đoạn tuyệt về phương diện phương pháp luận và triết học với hệ thống Aristote
và sự phân biệt triệt để của ông giữa một bên là thế giới dưới mặt trăng phục tùng
quy trình thành trụ hoại không, và một bên là thế giới bên trên mặt trăng tuân
theo những quy luật vĩnh hằng và chắc chắn như toán học, thì không vì thế mà nó
không muốn nối kết hệ thống đó vào một hệ thống vũ trụ luận nhằm giải thích
phổ quát. Sợi chỉ dẫn đường cho những triết gia thiên nhiên này liên quan đến
tiểu vũ trụ người. Nó có lý do giải thích trong đại vũ trụ: từ đó phát sinh ra mối
liên hệ khắng khít giữa việc thực hành y học và những suy biện chiêm tinh học;
từ đó phát sinh niềm xác tín rằng mọi sự đều có chỗ đứng trong thế giới và phải
qui mối thái hoà này về vị kiến trúc sư toàn năng của vũ trụ là Đấng sáng tạo tối
cao.
Jean Claude Margolin
LORENZO VALLA
(1407 - 1457)
Sinh ở Rome, Lorenzo Valla từ năm 1430 giảng dạy khoa tu từ văn thể ở Pavie.
Từ năm 1435 ông ở tại triều đình của Alphonse V ở Naples. Trong thời gian lưu
trú tại đây, ông biên soạn hai tác phẩm triết học quan trọng nhất của mình: Về tự
do ý chí (De libero arbitrio) và Về khoái lạc thực sự (De voluptate). Còn trong
Những cuộc tranh luận biện chứng (Dialecticae disputationes) ông sẽ phê phán
kịch liệt những phạmtrù của Aristote và ngôn ngữ của các nhà thần học kinh viện.
Nhưng ông cũng muốn làm sử gia, và trong tư cách đó, tố cáo cái truyền thuyết
đầy tai tiếng về "việc hiến tặng của hoàng đế Constantin" (La Donation de
Constantin). Theo câu chuyện hư cấu này (nhưng được nhà thờ Cơ đốc giáo, chế
biến thành món cao lương mỹ vị lịch sử) thì những của cải thế gian - thực chất là
những phần lãnh thổ bao la của phần đế quốc La Mã ở phương Tây - được triều
đình giáo hoàng chiếm hữu, có một nền tảng hợp pháp lâu đời. Ông chỉ ra tính