Nói cách khác, mọi phương diện tiêu cực của chủ nghĩa Épicure đều được chấp
nhận, nếu những kết luận của nó hay cứu cánh của nó được đặt thành vấn đề.
Nhưng trầm trọng hơn, đó là cái bối cảnh học thuyết và siêu hình (le fond
doctrinal et métaphysique) như được mô tả trong bài thơ của Lucrèce, một môn
đệ xuất sắc của Épicure và nhất là của Démocrite, đã giản quy toàn bộ hữu thể và
vũ trụ vào những phức hợp vô hạn của những nguyên tử. Từ đó có khuynh hướng
của những tác giả người Ý muốn nhấn mạnh nhiều hơn trên hình thức của bài thơ,
vẻ đẹp của những câu thơ, chất trữ tình vũ trụ của Lucrèce hơn là bàn sâu vào nội
dung triết lý. Do một sự phản quy hay một nghịch lý, Épicure, từ lâu - và ngay cả
đến thời nay, được coi như người khởi xướng một học thuyết ngoại đạo và duy
vật đối nghịch với Cơ đốc giáo, đã, nếu như người ta có thể nói, được Cơ đốc hoá
bởi sự tinh tế của một vài nhà nhân bản. Trong thiên khảo luận De voluptate ac
vero bono được trình bày dưới hình thức một cuộc đối thoại giữa ba nhân vật,
Valla định nghĩa điều thiện thực sự qua ba quyển. Chàng Antonio theo chủ nghĩa
Épicure nghĩ rằng đời sống chiêm nghiệm cũng đem lại niềm vui thú và rằng
khoái lạc thì cũng đa dạng chứ đâu chỉ đơn thuần. Nhưng chỉ có Nicácolo chứng
minh rằng lạc thú thực sự mà người ta có thể lẫn lộn với điều thiện thực sự được
đặt nền tảng trên lòng tốt của Thiên Chúa và lạc phúc tương lai.
Những kẻ không tưởng của Thomas More đồng ý với Épicure dành chỗ ưu tiên
cho sức khoẻ, cho sự quân bình của một thân thể cường kiện với vẻ đẹp hài hoà.
Nhưng họ cũng muốn thoả mãn những khát vọng cao hơn của sinh vật người. Họ
công nhận tính cao cả hơn của những lạc thú tâm hồn và ngay cả biệt tính của
chúng. Họ chưa phải là người Cơ đốc, nhưng trong tinh thần của More, họ hướng
đến để trở thành như thế.
Cuối cùng, Érasme trong quyển Đối thoại cuối mà ông đặt tựa đề Epicureus
(1533) diễn tả một tư tưởng còn táo bạo hơn, xoay mũi công kích mà Luther chỉa
về hướng ông, kết tội ông là kẻ khoái lạc chủ nghĩa hư đốn ở Venise và ở Rome.
Ông đi đến khẳng định nghịch lý và táo tợn rằng con người khoái lạc chủ nghĩa
đích thực chính là… chúa Kitô, bởi Ngài đâu có tiên báo một đời sống u buồn và
hành xác, mà là một cuộc sống nở hoa trọn vẹn của nhân cách: chỉ cần, hẳn rồi,
hệ thống hoá những lạc thú, không vất bỏ cái nào, với điều kiện chúng góp phần
vào sự khai mở này. Còn lý thuyết về những nguyên tử thì Érasme phớt lờ, không
cần biết tới.