Chúng ta đã chứng minh rằng mọi ông vua đều nhận được vuông quyền từ tay
dân chúng: rằng toàn thể dân chúng xét như một cơ thể, thì lớn hơn và cao hơn
vua; rằng vị vua này chỉ là nhà tổng quản trị và cũng là người phục vụ số một của
vương quốc, chỉ có người chủ, vị lãnh chúa thực sự là dân chúng. Do vậy, một
bạo chúa xúc phạm dân chúng thì cũng như là tội phản nghịch của chư hầu chống
lại lãnh chúa, làm tổn thương tính uy nghiêm thiêng liêng của vương quốc, và
như thế đáng bị trừng trị tương xứng bởi vị Chủ tể, ở đây là toàn thể dân chúng…
Nếu như tên bạo chúa đi đến chỗ khiến người ta chỉ có thể phế trừ hắn bằng cánh
tay vũ trang: thế thì, hãy kêu gọi dân chúng cầm lấy vũ khí, tổ chức thành đội ngũ
và dùng mọi phương tiện, cả mưu thuật lẫn sức mạnh chiến tranh, để tiêu diệt kẻ
đã trở thành kẻ thù của toàn thể quốc dân.
JUNIUS BRUTUS, Báo thù bạo chúa.
LA BOÉTIE
(1530 - 1563)
Tên của La Boétie thường được gắn liền với tên của Montaigne. Thực thế, hai
con người này đã hợp nhất nhau bởi một tình bạn phi thường mà Montaigne giải
thích bằng cách nói rằng "bởi vì đó là bạn ấy, bởi vì đó là tôi".
Étienne de la Boétie sinh ra ở Sarlat, không xa Périgueux. Ông học luật, rất xuất
sắc, nhất là ở đại học Orléans, thời đó rất nổi tiếng. Trong thời gian còn là sinh
viên, ông đã viết tác phẩm - có lẽ khoảng năm 1548 - Diễn từ về tính nô lệ tự
nguyện. Được đề cử - miễn tuổi - vào Nghị viện hàng tỉnh Bordeaux, ông kết bạn
với Montaigne. Ông tận tụy hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Trong cái
nước Pháp đau yếu của thời đó, ông đã nghĩ - như quan Chưởng ấn Michel de
l’Hospital mà ông rất kính trọng - rằng phải bảo vệ lòng khoan dung và làm hết
mình để định chế hoá nó.
Tài hoa bạc mệnh, mới ba mươi ba tuổi ông bị bạo bệnh và qua đời.
DIỄN TỪ VỀ SỰ NÔ LỆ TỰ NGUYỆN (Discours de la Servitude Volontaire)