Nguyên quán ở Grenade, Francisco Suarez học tập ở Medina del Campo và
Salamanque, ở đó ông là môn sinh của Juan de Guevara. Năm 1564 ông gia nhập
Đạo quân Chúa Jésus, và dạy ở Ségovie, ở Salamanque, ở Valladolid, ở Avila, ở
Alcala và ở Rome (1580-1585) rồi ở lại Coimbra (1597-1615). Quay trở lại
Alcala, ông gặp phải những phiền muộn vì những tác phẩm đầu tiên của ông về
triết học và thần học bị kiểm duyết gắt gao ở đó. Ông mất và được an táng ở
Lisbonne.
Tên tuổi Suarez gắn liền với phái Kinh viện mới và việc giảng dạy triết học ở đại
học Coimbra. Những lập trường của ông khiến ông phải bút chiến liên miên về
những đề tài trọng yếu như thiên ân và tự do, sự chuyên chế, việc xưng tội từ xa.
Ông đã xây dựng một thứ chủ nghĩa Thomas riêng trong đó hoà hợp những ý
tưởng của Duns Scot và những người khác đến từ chủ nghĩa nhân văn. Trong khi
vẫn chỉ chấp nhận một chân lí, Suarez đã làm cho siêu hình học thành một khoa
độc lập: ông đã diễn tả những ý tưởng của mình về chủ đề này trong Những tranh
biện siêu hình học (Disputationis metaphysicae), xuất bản ở Salamanque năm
1597. Đó là một thứ hữu thể luận độc lập, đứng ở một cự li khá xa đối với triết
học Aristote, và do đó tương quan đến những khảo luận của các nhà kinh viện
đầu tiên. Là người nhiệt thành tin tưởng vào tự nhiên pháp và quốc tế công pháp,
ông diễn tả những ý tưởng về triết lí pháp quyền và triết lí chính trị trong quyển
Về pháp quyền (De legibus) trong đó ông lên án cả chủ nghĩa chuyên chế lẫn chủ
nghĩa tự nhiên.
VỀ PHÁP QUYỀN (De Legibus)
Quyển De Legibus (mà lần xuất bản ở Madrid năm 1671 gồm 8 quyển, được cập
nhật hoá vào năm 1690) gắn liền với hệ thống siêu hình học của vị tu sĩ dòng Tên
người Tây Ban Nha danh tiếng này. Nhưng bộ sách này cũng có thể được nhận
định trong trào lưu rộng lớn công nhận những quyền của cá nhân và tự nhiên
quyền, có nguồn gốc không chỉ từ những phân tích hữu thể luận thánh Thomas và
của những môn đệ của ông ở thế kỉ mười sáu.
Bộ sách khảo luận với quy mô lớn này được biên soạn nhằm chống lại chủ nghĩa
tự nhiên (le naturalisme). Quyền lực được Thượng đế ban cho tất cả cộng đồng xã
hội - chính trị, chứ không chỉ cho một giai cấp đặc biệt nào hay một cá nhân nào.