Sau khi cho ra mắt bộ Essais vào năm 1580 (gồm quyển I và II, ông thực hiện
một cuộc du hành dài ngày để chữa trị bệnh sạn thận bằng liệu pháp tắm suối
nước nóng tại Đức, Thuỵ Sĩ và Ý. Ông có viết cuốn Du ký về cuộc hành trình
này, nhưng không xuất bản và chỉ được khám phá do tình cờ vào thế kỷ mười
tám. Được bầu làm thị trưởng thành phố Bordeaux vào các năm 1581 và 1583,
ông phải tranh đấu, ngay giữa lòng những cuộc chiến tranh tôn giáo, chống lại
các thành phần quá khích trong liên minh, trong lúc vẫn than phiền về "những
điều mới lạ" và sự hỗn loạn do những người Cải cách đem lại. Trở về thái ấp de
Montaigne của mình vào năm 1585, từ đó ông để hết tâm huyết để làm phong phú
thêm cho bộ Essais mà quyển III xuất hiện năm 1588. Đặc biệt ông đưa vào đó
dư âm những lần đọc sách và những kinh nghiệm cũng như những dư âm những
biến cố của một thời đại đặc biệt rối ren trong khi vẫn giữ im lặng về những thảm
kịch như cuộc tàn sát đêm thánh Barthélemy, hay việc ám sát vua Henri Đệ tam.
Quyển sách của Montaigne, vừa là nhật ký riêng tư vừa là cuộc đối thoại với độc
giả của ông, đưa chúng ta tiếp cận ngay vào tính hiện đại trong văn chương.
NHỮNG TIỂU LUẬN (xuất bản 1580, 1588, 1595)
Ba niên đại ở trên tương ứng với ba tầng lớp của những Tiểu luận, một tác phẩm
gây ngạc nhiên, đồng bản thể với tác giả, được nuôi dưỡng bởi đời sống của ông,
những kinh nghiệm, những ý nghĩ thân thiết riêng tư, những lần đọc sách, những
chuyện tai nghe mắt thấy qua cuộc du hành và những cuộc hội ngộ tình cờ. Ba
tầng lớp, vì tác phẩm được tu chính, thường được kéo dài thêm với thời gian bởi
sự tạp dị nơi tâm trạng, tính khí của nhà văn, những hiểu biết mới, hay những
quan điểm mới, chưa nói đến những đoạn viết lại hay đưa ra những chú giải
thông thái. Mỗi lần xuất bản, tác phẩm lại phong phú thêm với những bổ sung,
những tu chính, những nhuận sắc v.v…
Thật khó để định nghĩa vắn tắt một quyển sách rất "chân tín" (unlivre "de bonne
foy" - như lời Montaigne tự bạch trong phần lời nói đầu với độc giả) mà chỉ riêng
cái tựa đề, rất mới đối với văn giới lúc đó, gợi nên đồng thời những kinh nghiệm,
những bản nháp, một cách đưa vào thử nghiệm (cái tôi, thế giới, tha nhân, chữ
viết…), lời khẳng định kiểu dùng dằng bất quyết rằng chẳng có gì bảo đảm,
chẳng có gì chắc chắn nơi cõi đời mà tác giả tự đề ra để định nghĩa một thái độ
hoài nghi có phương pháp, không hề khởi đầu cho một niềm tin vào một chân lý