những bản văn khoa học này: đó là Salviata, nhà quý tộc xứ Florence, môn sinh
cũ của Galilée ở Padoue rồi ở Florence lại trở thành người bạn, người chủ nhà
của ông. Tiếp đến là Sagredo, nhà quý tộc xứ Venise, nhà ngoại giao, cũng là một
môn sinh cũ của Galilée và cuối cùng là Simplico, đại diện nặc danh của hiệp hội
những nhà thông thái chính thức, kẻ luôn mồm lặp lại những bài học của Aristote
và của những người kế thừa trung thành của ông ta. Nhờ vào người cầm chịch
cuộc chơi (người dẫn chương trình), cuộc trao đổi ý tưởng đi đến chỗ phá huỷ
hoàn toàn những đề tài của Aristote về sự rơi của các vật thể. Chủ đề rất cũ nhưng
khoa học rất mới như Galilée công bố: đó là sự giải mã ngôn ngữ toán học của
thiên nhiên, đó là sự phát biểu định luật về sự rơi tự do của các vật thể. Đó cũng
là cơ hội để phát biểu nguyên lý siệu hình này, được rút ra từ chính kinh nghiệm
thực tiễn: thiên nhiên luôn vận dụng những phương tiện đơn giản nhất để đạt đến
những cứu cánh của nó.
Những tư biện toán - triết về vô hạn (Spéculations mathématico_philosophiques
sur l’infini)
Trong phần đầu của ngày hội thảo đầu tiên (về đề tài vật lý học liên quan đến
kháng lực của vật thể đối với sự gãy vỡ), Sagrado và Salviati đi đến chỗ bàn về
vô hạn toán học và về điều mà sau này người ta sẽ gọi là những nghịch lý của vô
hạn (les paradoxes de l’infini).
Ở đây, chúng ta tham dự vào một đề tài thực sự là "hàng đầu" liên quan đến vấn
đề từng làm bận tâm trí các nhà toán học Hy Lạp từ thời cổ và cho đến ngày nay
vẫn không ngừng gây ra những cuộc tranh luận rất hiểm hóc mà cũng đầy say mê.
Nghịch lý trung tâm được trình bày ở đây, đó là, khi nói về vô hạn, thì những ý
niệm bình đẳng, nhỏ bé hay lớn lao, cũng như sự so sánh về những lượng khác
nhau trở nên vô nghĩa.
SALVIATI.- Vô hạn, từ bản tính của nó, là không thể hiểu được đối với chúng ta,
cũng như những cái bất khả phân; bây giờ bạn hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy
ra nếu chúng ta hợp nhất hai cái này. Và tuy thế nếu chúng ta muốn tạo một
đường thẳng bằng những điểm bất khả phân, vì sẽ phải cần một vô hạn điểm,
chúng ta sẽ nhờ đó mà hiểu được cả cái vô hạn lẫn cái bất khả phân…