Thiên nhiên đã tạo nên những con người hết sức bình đẳng về các khả năng thể
chất và tinh thần, khiến cho mặc dù đôi khi có thể có người rõ ràng mạnh hơn
một người khác về thể lý hay tinh thần, nhưng khi xét chung thì sự khác biệt giữa
người này với người khác không đến nỗi quá lớn để một người có thể cho mình
vượt trội hơn người khác. Vì xét về mặt thể lý, thì người yếu nhất cũng có đủ sức
mạnh để giết kẻ mạnh nhất, bằng âm mưu thủ đoạn hay bằng những người cùng
gặp nguy hiểm như mình.
Còn về các khả năng tinh thần , giữa con người với nhau tôi thấy còn có sự bình
đẳng hơn là về sức mạnh thể chất. Vì sự khôn ngoan chỉ là kinh nghiệm, mà nếu
ai cũng chịu khó luyện tập với cùng thời gian như nhau thì cũng có khôn ngoan
bằng nhau. Cái làm cho người ta không tin rằng có một sự bình đẳng như thế chỉ
là do tính hợm hĩnh của con người khiến hầu như ai ai cũng cho rằng mình vượt
trội về sự khôn ngoan hơn những người bình thường; nghĩa là, vượt trội hơn mọi
người trừ chính họ, và một số rất ít người khác có danh tiếng mà họ chịu nhìn
nhận. Bởi vì bản tính của con người là, cho dù họ có thể nhìn nhận nhiều người
khác khôn ngoan hay lanh lợi hay học thức hơn họ, nhưng họ khó có thể tin rằng
có nhiều người khôn ngoan bằng họ, vì họ thấy sự khôn ngoan của mình ngay
trước mắt, còn sự khôn ngoan của những người khác thì xa vời. Nhưng điều này
chứng tỏ rằng người ta bình đẳng hơn là bất bình đẳng về phương diện này. Bởi
vì, thông thường không có dấu hiệu lớn nào về sự phân phối đồng đều điều gì cho
bằng sự kiện rằng mọi người cảm thấy hài lòng với phần mình có.
Từ sự đồng đều về khả năng này, nảy sinh sự đồng đều về niềm hy vọng trong
việc đạt tới các mục đích của chúng ta. Và vì thế, nếu có người nào ước muốn
cùng một điều, nhưng không thể nào cả hai cùng hưởng, thì họ trở thành thù địch
của nhau - và trên đường đạt mục đích, họ tìm hết sức tiêu diệt hay chế ngự lẫn
nhau. Và từ đó xảy ra rằng, khi một kẻ xâm lấn không có gì phải sợ ngoài sức
mạnh riêng của một người khác, nếu một người gieo trồng, xây dựng hay sở hữu
một địa vị thích hợp, thì có thể những người khác đã sẵn sàng liên kết lực lượng
để chiếm đoạt và tước mất của người ấy không chỉ kết quả lao động của họ mà
ngay cả sự tự do của họ. Và rồi kẻ xâm lấn lại trở thành mối nguy hiểm lẫn nhau.
Như thế chúng ta thấy nơi bản tính con người có ba nguyên nhân chính gây cãi vã
lẫn nhau. Thứ nhất, tranh giành; thứ hai, nghi kỵ; thứ ba, vinh quang.