khi họ có ý tuân giữ, khi họ có thể tuân giữ một cách an toàn), nếu không có
quyền lực nào được thiết lập, hay đủ mạnh để bảo đảm sự an toàn của chúng ta,
thì mọi người sẽ và có thể một cách hợp pháp dựa vào sức mạnh và tài khéo riêng
của mình để chống lại mọi người khác. Và ở mọi nơi mà con người sống thành
những tiểu gia đình, việc trộm cắp và cướp bóc lẫn nhau đã là một kế sinh nhai,
và hoàn toàn không được coi là chống lại luật tự nhiên, khiến cho họ càng cướp
được nhiều, họ càng có danh dự nhiều; và người ta không tuân giữ luật nào khác
ngoài các luật danh dự; nghĩa là, tránh những hành vi độc ác, không làm hại
mạng sống người khác và các phương tiện của đời sống gia đình. Và giống như
các tiểu gia đình đã làm vào thời ấy, thì ngày nay, vì sự an toàn của mình, các
thành phố và vương quốc, là những đại gia đình, cũng mở rộng sự thống trị của
họ đối với tất cả những gì có thể là nguy cơ đe dọa họ, và nỗi sợ sự xâm lăng, và
nỗ lực hết sức để khuất phục hay làm suy yếu các nước láng giềng, bằng vũ lực
công khai và các thủ đoạn thầm kín, vì không có các biện pháp chính đáng khác;
và họ được thán phục vì điều đó sau nhiều thời đại.
Đúng là một số sinh vật, như loài ong, kiến, sống với nhau một cách giống như
một xã hội, và vì thế Aristote đã liệt kê chúng vào loài vật chính trị; nhưng vì
chúng không có đường hướng nào khác ngoài các bản năng và phán đoán bẩm
sinh của chúng, cũng không có ngôn ngữ để truyền đạt ý nghĩa cho nhau về điều
gì là ích lợi chung cho tất cả; vì vậy một số người có thể muốn biết tại sao loài
người không thể làm giống như thế. Tôi trả lời như sau.
Thứ nhất, loài người không ngừng tranh giành nhau sự danh dự và phẩm giá, mà
những loài vật kia không có; và do đó giữa loài người nảy sinh sự ghen ghét,
ganh tỵ và sau cùng là chiến tranh; nhưng điều này không xảy ra nơi loài vật kia.
Thứ hai, giữa các loài vật kia, lợi ích chung không khác với lợi ích riêng; và vì
bẩm sinh hướng về lợi ích riêng, nên chúng tạo ra lợi ích chung cũng nhờ đó.
Nhưng con người vì tìm thấy niềm vui trong việc so sánh mình với người khác,
nên chỉ có thể bằng lòng với sự trội vượt của mình.
Thứ ba, không giống như loài người, những loài vật kia không có lý trí, không
thấy hay không nghĩ là mình thấy khuyết điểm nào trong việc tổ chức công việc
chung của chúng; trong khi giữa loài người có rất nhiều người tưởng mình là tài