cần thiết, và đặt ra theo cách nào mà mỗi vấn đề đều có một giải pháp, hoặc là
bằng cách bắt đầu bằng những nguyên lý không phải bằng những hậu quả, bằng
những điều kkiện đầu tiên chúng tự hiển nhiên, không phải bởi những cái gì chỉ
có thể được biết bởi những cái đầu tiên, hoặc là khi cái gì cần biết, chẳng hạn câu
đố bí hiểm của con nhân sư, không theo trật tự như một chuỗi diễn dịch, phát
minh ra một trật tự hơn là toan tính đoán mò giải pháp; cuối cùng, bằng một vận
động liên tục của tư tưởng, trong khi không bỏ sót cái gì ở bên ngoài trật tự, một
giải pháp thành phần mà người ta sẽ không còn thấy nó là một yếu tố của giải
pháp toàn diện, hay một mệnh đề mà người ta không còn thấy nó là hậu đề của
những nguyên lý đã cách xa.*
* Về những trích đoạn từ hai quyển phương pháp luận và Những suy niệm siêu
hình học, chúng tôi mạn phép sử dụng bản Việt dịch của vị thầy cũ của chúng tôi
ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, cố Giáo sư Trần Thái Đỉnh, Tiến sỹ Triết học, và
giữ đúng nguyên văn của thầy. (Chú thích của người dịch).
Phương pháp phổ quát (La méthode universelle)
Khi còn niên thiếu, trong số các phần của môn triết học, tôi đã chăm chỉ học phần
Luận lý học, và trong môn toán thì tôi chăm chú học phần Phân tích (a) của các
nhà Kỷ hà học và phần Đại số, đó là ba môn tức ba khoa học xem ra đã đóng góp
phần nào vào ý định của tôi. Nhưng khi xem xét chúng, tôi nhận thấy rằng, đối
với khoa Luận lý học, những câu tam đoạn luận của nó và đa số những điều nó
dạy chỉ có công dụng giải nghĩa cho người khác những điều ta biết, hoặc như
nghệ thuật của Lulle (b), chỉ để nói một cách không cần phán đoán về những điều
mình không biết, hơn là giúp ta hiểu biết những điều đó. Và mặc dầu khoa Luận
lý thực sự bao hàm nhiều tôn chỉ rất đúng và rất tốt (c), nhưng trong đó cũng pha
trộn nhiều tôn chỉ vô dụng hoặc thừa, đến nỗi khó mà phân biệt được chúng, cũng
như khó mà rút được một pho tượng nữ thần Diane hay nữ thần Minerve từ một
khối cẩm thạch chưa có phác họa gì hết.
Rồi, về cách phân tích của người xưa và về khoa Đại số của các vị thời mới,
ngoài cái sự chúng chỉ đưa tới những điều rất trừu tượng và xem ra không có một
ứng dụng nào, thì riêng phương pháp phân tích đó lại quá bị trói buộc vào sự xem
xét các hình thể, đến nỗi nó không thể luyện trí năng mà đồng thời không làm