Những nguyên lý của triết học, xuất bản năm 1644 bằng tiếng Latinh, nằm trong
ý đồ của tác giả và trật tự sư phạm: vấn đề là trình bày triết học đệ nhất, hay siêu
hình học, chứ không phải, như trong Những suy niệm, khám phá nó, và triết học
tự nhiên, hay vật lý học. Để cho việc trình bày được sáng sủa, tác phẩm được chia
thành bốn phần, được sắp xếp theo sự nối kết từ nguyên lý đến hậu quả và chúng
lại được chia ra thành những điều mục, mỗi mục mang một tiểu tựa thông báo nội
dung. Phần thứ nhất chứa đựng siêu hình học - là đệ nhất đối với vật lý học mà nó
là nền tảng, như hình ảnh nổi tiếng về cây triết học đã chỉ ra, trong lời tựa của
quyển Những nguyên lý; ở đó ta luôn tìm thấy những yếu tố quý giá để giải thích
đoạn này, đoạn kia trong Những suy niệm, chẳng hạn, với định nghĩa chặt chẽ về
bản thể, về chứng lý bởi yếu tính cho sự hiện hữu của Thượng đế hay về chuyện
sự nhầm lẫn có thể quy trách cho ý chí. Phần thứ nhì bàn về những nguyên lý của
những sự vật vật chất, và vì vật chất cũng là một với trương độ, chúng là đối
tượng của nền vật lý kỷ hà có tính cơ giới chặt chẽ (une physique géométrique
strictement mécanistique) mà sự ứng dụng cho phép giải thích trong phần ba,
những hiện tượng và sự hình thành của bầu trời, và trong phần bốn, những hiện
tượng và sự hình thành của quả đất. Trong hai phần cuối ta gặp lý thuyết nổi tiếng
về những cơn lốc (tourbillons) và ý niệm duy cơ giới về trọng lực không do sức
hút (la pesanteur sans attractions)
Quan niệm triết học của Descartes
Đoạn văn sau đây đã được trích ở bức thư của Descartes viết cho linh mục Picot,
dịch giả quyển Nguyên lý triết học của ông xuất bản bằng La ngữ năm 1644, như
ông nói, để thay vào bài tựa mà đáng lẽ chính ông phải biết. Ta có thể nhận thấy ở
đấy cái quan niệm của Descartes về triết học, còn rất rộng rãi, gần như có tính
cách bách khoa và đồng thời quy chiếu về tri thức các nguyên lý, hay "nguyên
nhân đầu tiên", và về công dụng thực hành của nó.
Trước hết, ở đây tôi muốn cắt nghĩa thế nào là triết lý, bắt đầu từ những điều tầm
thường nhất, như: danh từ triết lý có nghĩa là chuyên cần sự khôn ngoan, và khôn
ngoan không phải chỉ là sự khôn khéo trong công việc, nhưng là sự hiểu biết hoàn
toàn mọi sự mà con người có thể biết được, để dùng trong cách xử thế cũng như
sự bảo tồn sức khoẻ và phát minh các nghệ thuật, và muốn cho sự hiểu biết ấy
được như thế, thì cần nó phải được suy luận tự những nguyên nhân tiên khởi, vì