đó nên muốn học tập thu thập được tri thức ấy, và đấy chính là triết lý, thì phải
bắt đầu bằng việc khảo cứu những nguyên nhân tiên khởi ấy nghĩa là các nguyên
lý; và các nguyên lý ấy phải có hai điều kiện, một là chúng phải rõ ràng và hiển
nhiên thế nào cho trí thức người ta khi chăm chú mà suy xét thì không thể hoài
nghi chân lý chúng; hai là sự hiểu biết các vật khác phải tuỳ thuộc vào chúng, đến
nỗi không có chúng thì không biết được những vật ấy, chứ không phải ngược lại,
và sau đó phải ra sức suy luận cách nào tự những nguyên lý ấy đến tri thức các sự
vật tuỳ thuộc,để cho không có một sự gì trong tất cả những diễn dịch liên tiếp mà
không thật là tỏ tường. Thật ra chỉ có một mình Thiên Chúa là khôn ngoan hoàn
toàn, nghĩa là hiểu biết đầy đủ chân lý mọi vật; nhưng có thể nói được rằng con
người có khôn ngoan nhiều hay ít tuỳ theo tỷ lệ có nhiều hay ít tri thức về những
chân lý trọng yếu nhất. Và tôi nghĩ rằng trong điều này không có gì mà các bậc
thông thái không đồng ý…
… Không có tâm hồn nào cao thượng một chút mà lại dính bén liền chặt vào
những đối tượng giác quan, đến nỗi không khi nào rời ra để ao ước một điều lành
nào lớn hơn, mặc dầu lắm khi không biết nó là gì; những kẻ được số mệnh ưu đãi
nhất, có đầy đủ sức khoẻ, danh tiếng, của cải cũng không miễn khỏi ước vọng ấy
hơn kẻ khác; trái lại, tôi tin chắc là chính họ còn khao khát sốt sắng hơn cả đến
một sự lành khác, vượt trên tất cả mọi sự lành họ hiện có. Mà sự lành tối cao ấy
xét theo lý trí tự nhiên, ngoài ánh sáng tín ngưỡng, chẳng qua chỉ là sự hiểu biết
chân lý do những nguyên nhân đầu tiên, nghĩa là do sự khôn ngoan mà triết lý là
việc học tập. Lại vì mọi điều ấy đều hoàn toàn chân thật, nên nếu chúng được suy
luận chính đáng thì không khó gì làm cho người ta ưng thuận.
Nhưng vì người ta bị ngăn trở không tin chúng, do kinh nghiệm cho ta thấy
những người chuyên môn triết học, lắm khi lại ít khôn ngoan, ít hợp lý hơn những
kẻ chẳng bao giờ chuyên cần về môn ấy, cho nên ở đây tôi lại muốn giải thích sơ
lược tất cả các khoa học ta hiện có là thế nào và những cấp bậc đức khôn ngoan ta
đã đi tới. Bậc thứ nhất chỉ gồm những ý niệm tự mình rất rõ ràng, nên người ta có
thể thu thập được không phải suy ngẫm; bậc thứ hai gồm tất cả những cái gì kinh
nghiệm giác quan cho ta biết; thứ ba là cái gì mà cuộc đàm đạo với những người
khác dạy ta; và ta có thêm vào đấy ở bậc thứ bốn, việc đọc sách, không phải tất cả
các sách, nhưng một cách riêng, những sách đã được viết do những người có thể
chỉ giáo cho ta những điều hay, vì đó là như một cuộc đối thoại ta với các tác giả