ấy. Và tôi nghĩ rằng tất cả sự khôn ngoan người ta thường có đều được thu thập
bằng bốn cách ấy; vì ở đây tôi không kể việc mặc khải thiên tính, vì nó không dẫn
dắt ta theo từng bậc, nhưng đưa ta ngay đến một tín ngưỡng không sai lầm được.
Nhưng vào mọi thời đại, bao giờ cũng có những bậc vĩ nhân đã cố gắng tìm ra
một bậc thứ năm để đi đến sự khôn ngoan, bậc ấy cao cả và chắc chắn hơn bốn
bậc kia, không thể so sánh được: đó là việc sưu tầm những nguyên nhân tiên khởi
và những nguyên lý xác thật, do đó, người ta có thể suy luận ra các lý lẽ mọi sự
có thể biết được; và chính những người đã làm công việc ấy, ta gọi một cách
riêng là triết gia…
… Sau đó, để người ta thấy rõ vì mục đích nào tôi đưa xuất bản quyển sách ấy, tôi
muốn cắt nghĩa ở đây cái thứ tự mà tôi tưởng người ta phải giữ để học hỏi. Thứ
nhất, một người chỉ mới có sự hiểu biết tầm thường và khiếm khuyết, mà người ta
có thể thu thập bằng bốn cách chỉ trên đây, trước hết phải cố gắng tự lập lấy một
luân lý có thể đủ để điều chỉnh các hành động đời sống mình, vì điều ấy không
thể trì hoãn và vì ta có bổn phận trước nhất là sống cho chính đáng. Sau đó cũng
phải học luận lý. Không phải thứ luận lý kinh viện, vì nói cho đúng, nó chỉ là một
biện pháp để dạy kẻ khác những điều mình biết, hoặc nữa để khỏi xét đoán mà
nói nhiều lời về những điều mình không biết, và vì thế, nó làm hư trí khôn đi hơn
là tăng thêm lên; nhưng ở đây là thứ luận lý dạy cách dìu dắt lý trí để khám phá
những chân lý ta không biết; và vì nó lệ thuộc nhiều vào sự sử dụng, cũng nên
luyện tập lâu dài để thực hành các quy tắc trong những vấn đề dễ dàng và đơn
giản, như những vấn đề toán học. Rồi khi đã luyện tập được thói quen tìm ra chân
lý, trong các vấn đề ấy, thì phải bắt đầu thực sự chuyên chú vào triết học chân
chính, mà phần thứ nhất là siêu hình học, bao gồm những nguyên lý của trí thức,
trong ấy có sự giải thích các thuộc tính chủ yếu của Thiên Chúa, tính cách phi vật
chất của linh hồn ta, và tất cả các ý niệm rõ ràng và đơn sơ ở trong ta. Phần thứ
hai là vật lý, trong ấy, khi đã tìm ra những nguyên lý xác thực các sự vật thể chất,
người ta suy xét cách chung xem vũ trụ cấu thành cách nào, rồi cách riêng bản
tính địa cầu và các vật, thường có chung quanh nó như không khí, nước, lửa, từ
thạch và các khoáng chất khác. Tiếp theo đó cũng cần suy xét cách riêng bản tính
cây cỏ, thú vật, và nhất là người ta, để sau này có thể tìm ra các khoa học khác có
ích cho mình. Như vậy, tất cả triết học, giống như một cái cây mà rễ là siêu hình
học, thân là vật lý học và các cành tự thân ấy đâm ra là tất cả các môn học khác,