đó, và tôi còn ít dửng dưng, thì tôi càng có khuynh hướng để tin điều đó một cách
tự do hơn. Trái lại bây giờ chẳng những tôi biết tôi hiện hữu và tôi là một sự vật
suy tưởng, nhưng tâm trí tôi còn gặp một ý tưởng nào đó của bản tính vật thể, do
đó tôi hoài nghi không biết cái bản tính suy tưởng ở trong tôi, - hay nói đúng hơn,
cái bản tính làm cho tôi là tôi, - có khác cái bản tính vật thể này hay không, cả hai
bản tính chỉ là một. Và giả thử bây giờ tôi không biết một lý do nào có sức bảo
tôi nhận điều đó hơn điều khác; thế là tôi hoàn toàn dửng dưng quyết hay chối,
hay là không đưa ra một phán đoán nào cả.
Và sự dửng dưng này không những bao trùm tất cả những sự ta không biết chút
nào, nhưng cả những sự mà tâm trí ta chưa khám phá cách hoàn toàn rõ ràng khi
ý muốn ta suy tính về chúng; bởi vì mặc dầu những phỏng đoán của ta xem ra có
lý và thúc đẩy ta quyết đoán sự gì, nhưng nguyên sự tôi biết đó chỉ là những
phỏng đoán chớ chưa phải là những lý do chắc chắn và bất khả nghi, thì cũng
chưa đủ cho tôi quyết đoán ngược lại. Đó là điều tôi đã kinh nghiệm đầy đủ trong
những ngày trước đây, khi tôi coi là giả dối tất cả những gì trước kia tôi vẫn coi là
chân thực, chỉ vì một lẽ là tôi đã nhận thấy người ta có thể hoài nghi chúng.
DESCARTES,
Những suy niệm siêu hình, III, Bản dịch của Trần Thái Đỉnh.
Tính toàn năng và toàn thiện của Thiên Chúa
Thiên Chúa tất yếu hiện hữu
Có hai con đường qua đó người ta có thể nói rằng Thiên Chúa hiện hữu: một bởi
những hiệu quả, từ ý tưởng về vô hạn nằm trong chúng ta, mà Thiên Chúa, chứ
không phải chúng ta, là nguyên nhân, còn đường kia bởi yếu tính của Ngài, gồm
đủ mọi điều toàn thiện, do vậy tất yếu là phải hiện hữu. Con đường thứ nhì, được
trình bày ở đây, đặt nền tảng, cũng như con đường thứ nhất, trên ý tưởng về sự
toàn thiện hay tính vô hạn. Vô hạn vì không được tạo ra từ cái hữu hạn, mà chúng
ta không thể làm ra, nhưng vẫn hiện diện trong ta; đó là điều không nên để mất
dấu nếu người ta muốn hiểu chứng lý về hiện hữu của Thiên Chúa bằng yếu tính
của Ngài và không quá nóng vội để tố cáo sự nguỵ biện mà hình như chứng lý
này mặc hàm.