Nhưng còn nhiều sự khác coi như thiên nhiên cũng dạy tôi mà thực sự tôi không
thâu nhận được do thiên nhiên, nhưng chúng đã nhập tâm trí tôi do tập quán của
tôi quen phán đoán liều lĩnh về các sự vật, và như thế dễ có thể pha nhiều sự giả
dối. Thí dụ tôi nghĩ rằng: bất cứ không gian nào không chứa đựng một cái gì có
khả năng kích động giác quan tôi, đều chân không; rằng trong một vật thể nóng
có một cái gì giống như ý tưởng ở trong tôi về sự nóng đó; rằng trong một vật thể
trắng hay đen, cũng có một sự trắng và sự đen như tôi cảm thấy; rằng trong một
vật thể đắng hay ngọt, cũng có một vị như thế, v.v…; rằng những hành tinh,
những cây tháp và tất cả các vật thể ở xa đều có hình thù và lượng thể đúng như
chúng hiện ra cho mắt ta tự đàng xa v.v…
Nhưng để không còn sự gì bị coi là chưa được tôi quan niệm cách phân minh, tôi
phải định nghĩa rõ ràng tôi có ý nói gì khi tôi quyết rằng thiên nhiên có dạy tôi
một ít điều; như vậy, ở đây tôi dùng danh từ thiên nhiên theo một nghĩa hẹp hơn
khi tôi gọi nó là một toàn bộ những sự mà Thiên Chúa ban cho tôi, xét vì toàn bộ
nọ gồm nhiều sự chỉ thuộc riêng về tâm linh mà thôi và là những sự tôi không có
ý bàn tới ở đây khi tôi nói về thiên nhiên; thí dụ ý niệm mà tôi có về chân lý này:
sự gì đã một lần xảy ra thì không thể là sự chưa xảy ra, và vô số những điều như
vậy là những điều tôi biết được do ánh sáng tự nhiên và không phải nhờ đến thân
thể; và trong toàn bộ đó cũng có nhiều sự chỉ thuộc riêng về thân thể và cũng là
những sự không được bao hàm trong danh từ thiên nhiên dùng ở đây, như tính
chất có trọng lượng của vật thể v.v… và tôi cũng không muốn đề cập tới ở đây, vì
ở đây tôi chỉ có ý nói đến những sự Thiên Chúa đã ban cho tôi xét như tôi là một
hợp thể giữa tâm linh và thân thể. Vậy thiên nhiên này dạy tôi tránh những sự
phát sinh ra tình cảm đau khổ ở trong tôi, và đón nhận những sự thông cho tôi
tình cảm khoái lạc; nhưng ngoài ra, không thấy thiên nhiên dạy ta phải kết luận
điều chi về các sự vật ngoài ta, do những tri giác giác quan của ta, nếu không có
sự xem xét cẩn thận của tâm linh trước; bởi vì tri thức chân tính của sự vật là
nhiệm vụ riêng của tâm linh, chớ không phải của hợp thể tâm linh và vật thể.
DESCARTES,
Những suy niệm siêu hình, VI, Bản dịch của Trần Thái Đỉnh.
Phản bác thuyết duy vật