vì ảnh hưởng của cái tầm thường tác động đến ta khi hãy còn nằm nôi đã nhanh
chóng trói buộc tinh thần ta bằng hàng ngàn nút thắt và kìm giữ nó trong những
mối dây ràng buộc này, nên triết học đã dấn thân để sao cho chúng ta, nhờ triết
học, phục hồi quyền sở hữu tự do của chúng ta. Ấy vậy mà, thay vì cần mẫn vun
trồng minh trí, chúng ta lại khá là điên rồ đem áp đặt cho trí tuệ khốn khổ của
chúng ta những xiềng xích và những cản trở còn nặng nề hơn, trong khi vẫn
tưởng mình vui lòng chịu đựng sự cưỡng bách của tình trạng nô lệ nặng nề và
chịu để buộc vào cái máng ăn như một con vật hạ tiện! Đấy chẳng phải là hoàn
toàn mất lí trí hay sao? Chúng ta vui sướng khi cái thực thể trần tục của chúng ta,
tôi muốn nói cái xác phàm ấy, được tháo gỡ khỏi những sợi dây ràng buộc, được
giải phóng; vậy mà chúng ta lại không ghê sợ khi để cho phần tốt đẹp nhất nơi
chúng ta, vốn thiêng liêng thuộc trời cao, nói gọn một tiếng, linh hồn chúng ta, bị
cầm tù sao? Trừ phi có lẽ rằng người ta không coi trong tự do một tí nào? Nhưng
những ai đã một lần nhận ra nó thì không bao giờ chịu rời bỏ chốn dung thân an
toàn kia. Chắc rằng họ không còn cố công bảo vệ những định kiến có từ trước
nay nữa: vì dầu chúng như thế nào, họ cũng sẵn sàng từ bỏ chúng liền ngay thôi,
như mở ra một bàn tay nắm lại. Họ biết rõ rằng sự yếu đuối của tinh thần con
người thì lớn đến nỗi, khi không biết được bản tính sự vật, trong chân tướng của
chúng, thì nó chỉ tạo ra những ước đoán cái nhiên (des conjectures probables) về
chúng. Từ đó khiến họ không quyết chuyện gì một cách nghiêm xác và nghĩ rằng
Aristote cũng không kém khả năng ngộ nhận so với Pythagore hay Platon: ít ra là
họ giữ im lặng và không có xao xuyến tâm hồn chút nào, tự hỏi trong số những
quan điểm đối nghịch nhau của những kẻ giáo điều, thì quan điểm nào gần với
chân lý nhất. Họ để cho những người khác cứ việc quay quắt: đối với ho, thật là
một niềm vui lớn khi hiểu ra và cảm thấy rằng họ đã thoát ra khỏi những cơn
phong ba bão táp mà họ chứng kiến bao người khác đang là nạn nhân (2).
Pierre GASSENDI, Những nghị luận trong hình thức nghịch lý
chống những người theo Aristote.
1. Tự ràng buộc vào một chủ thuyết
2. Tham khảo Lucrèce: De rerum natura.