Thật vậy, những ai tưởng rằng các ý niệm hệ tại những hình ảnh được hình thành
trong chúng ta từ những va đụng với các vật thể [bên ngoài], đều thâm tín rằng
những ý niệm về các sự vật đó - [mà không để lại vết tích gì trong não cả], hoặc
chúng ta không thể hình thành một hình ảnh tương tự nào về chúng cả - đều
không phải là ý niệm, nhưng chỉ là những giả tưởng mà chúng ta bịa đặt ra từ một
sự lựa chọn tự do của ý muốn. Do đó, họ nhìn vào các ý niệm như những bức hoạ
câm lặng trên một giá vẽ và do vướng vào thành kiến này, họ không nhận ra được
rằng một ý niệm, xét như nó là một ý niệm, gắn liền với sự khẳng định hay một
phủ định.
Và như thế, những ai lẫn lộn từ ngữ với ý niệm, hoặc với chính sự khẳng định mà
ý niệm bao hàm, thường nghĩ rằng họ có thể ước muốn cái trái ngược với những
gì họ đang ý thức, khi họ chỉ dùng từ ngữ để khẳng định hoặc phủ định cái trái
ngược với những gì họ đang ý thức. Nhưng những thành kiến này có thể dễ dàng
bị gạt sang một bên bởi bất cứ ai chú trọng tới bản tính của suy tưởng, vốn chẳng
chút bao hàm khái niệm về trương độ. Người đó sẽ hiểu rằng một ý niệm (bởi vì
nó là một hình thái tư duy) không hệ tại hình ảnh của bất cứ cái gì, cũng không hệ
tại ngôn từ. Bởi vì yếu tính của từ ngữ và của hình ảnh thì chỉ được cấu tạo bởi
những chuyển động vật chất, vốn chẳng chút bao hàm khái niệm về suy tưởng.
Thiết tưởng đôi lời cảnh tỉnh về vấn đề này như thế cũng đã tạm đủ và tôi xin
chuyển qua những phản biện đã được đề cập ở trên.
[III.A.(i)] Thứ nhất, họ cho rằng ai mà chả rõ ý muốn có trương độ rộng hơn trí
năng, và do vậy nó khác với trí năng. Lý do họ nghĩ như thế là vì họ cho rằng
theo kinh nghiệm họ biết rằng họ không cần phải có một khả năng tán thành, hay
khẳng định, và phủ định lớn lao hơn khả năng chúng ta đã có để mà tán thành với
trăm ngàn điều khác chúng ta không hiểu được - nhưng họ chỉ cần có một khả
năng tri thức lớn lao hơn. Do đó, ý muốn được phân biệt với trí năng bởi vì trí
năng thì vô hạn mà ý muốn lại hữu hạn.
[III.A.(ii)] Thứ nhì, họ có thể phản biện chúng ta rằng dường như kinh nghiệm
chẳng dạy cho chúng ta được gì một cách rõ ràng hơn việc chúng ta có thể tạm
hoãn phán quyết để khỏi tán thành với những gì chúng ta nhận thức. Có vẻ điều
này cũng được củng cố từ sự kiện là không ai được cho là đã mắc lừa xét như