thượng". Một vị tửu đồ đang say ngất ngưởng, rượu vào lời ra ào ào không thể
nào tự ngắt mạch được, vẫn tin rằng mình rất ư tỉnh táo sáng suốt và mình nói là
quyền tự do của linh hồn mình muốn nói, chứ đâu phải do… con ma men nó
khiến cho "thần khẩu hại xác phàm", nói ra toàn những chuyện tầm phào bá láp
mà khi tỉnh, nếu nhớ lại, chắc là mắc cỡ muốn độn thổ luôn! Cũng thế, người
cuồng điên hay chị lẻo mép, cậu thiếu niên và vô số những cá nhân "được nặn ra
từ một loại bột" vẫn tin rằng mình thốt ra những lời vàng ngọc từ một sắc lệnh tự
do của tâm hồn, trong khi mà họ không có thể kìm lại cái đà thúc đẩy khiến họ
phải nói; như vậy kinh nghiệm cũng cho thấy rõ rằng lý do khiến mọi người
tưởng rằng mình tự do có nguyên nhân duy nhất là họ ý thức được về những hành
vi của mình nhưng lại không biết những nguyên nhân do đó họ bị quy định; và
ngoài ra, những sắc lệnh của linh hồn không gì khác hơn là chính những thèm
muốn và chúng biến thiên theo tư thế biến thiên của các Cơ thể. Thật vậy, mỗi
người quản lý mọi sự theo cảm tính của mình; và ngoài ra, những ai bị chế ngự
bởi những tác động trái ngược nhau, không biết mình muốn cái gì; còn đối với
những ai không có xúc cảm nào, thì họ lại bị xô đẩy về phía này hay phía khác
bởi những động cơ rất nhẹ ký, rất không đâu. Tất cả những điều ấy hẳn là chứng
tỏ một cách rõ ràng cả sắc lệnh cũng như sự thèm khát của linh hồn, và sự quy
định các Cơ thể, theo bản tính của chúng, là những vật đồng thời, hay đúng hơn là
cùng một vật đó mà chúng ta gọi là Sắc lệnh (Décret) khi nó được xem xét dưới
thuộc tính của Tư tưởng và được giải thích bởi tư tưởng, là Sự Quy định
(Détermination) khi nó được xem xét dưới thuộc tính của trương độ và được diễn
dịch từ những định luật về chuyển động và ngừng nghỉ.
SPINOZA, Đạo đức học, Phần III.
Tự do bị cưỡng chế và tất yếu
Bây giờ tôi chuyển qua định nghĩa về tự do mà người bạn của ngài bảo đó là định
nghĩa của tôi. Tôi không biết ông ta rút điều đó ra từ đâu. Về phần tôi, tôi gọi là
tự do một vật nào hiện hữu và hành động chỉ bởi sự tất yếu trong bản tính của nó;
và bị cưỡng chế, vật nào bị quy định bởi một vật khác để hiện hữu và hành động
theo một cách bị quy định nào đấy. Chẳng hạn, Thượng đế (a) hiện hữu một cách
tự do mặc dầu một cách tất yếu bởi vì Ngài hiện hữu chỉ bởi sự tất yếu trong bản
tính của Ngài. Cũng thế, Thượng đế tự biết và biết mọi vật một cách tự do, bởi vì