cho người khác, phải đừng làm điều gì cho ai những gì mà họ không muốn người
ta làm cho họ, và cuối cùng là tôn trọng quyền của người khác như là quyền của
chính mình. Hiệp ước này phải được ký kết theo điều kiện nào để có hiệu lực
vững chắc và được bảo đảm, đó là điều chúng ta sắp thấy. Hãy lưu ý rằng, một
quy luật phổ quát của Thiên nhiên đó là không ai lại đi khước từ cái gì mà y ta
phán đoán là tốt, nếu không phải bởi hy vọng về một cái tốt hơn hay bởi sợ phải
chịu một thiệt hại lớn hơn (tức là thấy lợi bất cập hại); cũng không chịu chấp
nhận một điều xấu, nếu không phải là để tránh một điều xấu còn tệ hại hơn, hoặc
là bởi hy vọng sẽ được cái tốt hơn (chịu mất con tép để được con tôm). Nghĩa là,
con người ta, khi chọn lựa giữa hai cái tốt thì sẽ chọn cái nào mà hắn cho là tốt
nhất, và nếu phải chọn lựa giữa hai điều xấu, sẽ chọn cái nào có vẻ ít xấu hơn.
Tôi nói cách hiển ngôn là, điều nào trong sự chọn lựa có vẻ lớn nhất hay kém
nhất đối với hắn ta; chứ tôi không nói rằng thực tế tất yếu là phù hợp với phán
đoán của hắn ta. Và định luật này được khắc sâu ghi rõ trong nhân tính đến độ
chúng ta phải xếp nó vào số những chân lý vĩnh cửu mà không ai lại không biết.
Định luật này có hệ quả tất yếu là không ai sẽ hứa từ bỏ cái gì thuộc quyền mà
hắn ta có, nếu không phải là do xảo kế, và rằng tuyệt đối không ai sẽ giữ lời hứa
mà hắn có thể đã thốt ra, nếu không phải vì sợ một điều xấu còn lớn hơn hay vì
hy vọng một điều tốt lớn hơn.
SPINOZA, Khảo luận thần học-chính trị, chương XVI.
1. Như vậy quả là một sự cần thiết cấp bách phải thoát ra khỏi một tình trạng
thiên nhiên cực kỳ nguy hiểm.
2. Sức mạnh tối thượng hay ý chí chung, chẳng phải cái gì khác hơn là sự cộng lại
những sức mạnh cá nhân, và hiệp ước xã hội, dầu theo cách nào cũng chẳng phải
là sự từ khước quyền tự nhiên.
KHẢO LUẬN CHÍNH TRỊ (Traité politique)
Việc biên soạn bộ Khảo luận chính trị đã bị gián đoạn vào năm 1677 bởi cái chết
của Spinoza. Nhưng mặc dầu dang dở, quyển Khảo luận vẫn nêu rõ ràng ý nghĩa
và phương pháp của nó. Vấn đề không phải là tuyên bố theo nguyện vọng cách
(le mode optatif) rằng xã hội tốt nhất là xã hội mà các định chế ngăn ngừa nó