không có đủ lý do để nó là đúng và không phải là khác; mặc dù chúng ta thường
không biết đến các lý do này.
33. Cũng có hai loại chân lý: các chân lý của lí trí, là các chân lý tất yếu và cái
trái ngược với nó thì không thể có và các chân lý sự kiện, là các chân lý tuỳ thuộc
có thể có cái trái ngược với nó. Khi một chân lý là tất yếu, các lý do của nó có thể
tìm thấy và phân tích, nghĩa là bằng cách chia nhỏ nó thành các ý niệm và các
chân lý nhỏ hơn cho đến khi đạt tới những cái sơ đẳng.
34. Chẳng hạn các nhà toán học khi sử dụng phương pháp phân tích, họ giản lược
các định lí lý thuyết và các quy luật thực hành thành các định nghĩa, tiên đề, và
định đề.
35. Sau cùng, có các ý niệm đơn giản không thể định nghĩa được. Hơn nữa, có
các tiên đề và định đề, tóm lại, các nguyên lý sơ đẳng, không thể chứng minh và
không cần chứng minh. Chúng là các mệnh đề thống nhất, những gì trái ngược
với chúng là mâu thuẫn hiển nhiên.
36. Tuy nhiên, phải có một lý do đủ cho các chân lý tuỳ thuộc hay các chân lý sự
kiện, nghĩa là, cho chuỗi các sự việc được bao gồm trong vũ trụ tạo vật. Ở đây, sự
giản lược thành các lý do đặc thù có thể tiếp tục vô giới hạn; bởi vì các vật trong
vũ trụ thì đa dạng và bao la, và các vật thể được phân chia vô hạn. Có vô số các
hình thù và chuyển động, quá khứ và hiện tại, chúng góp phần làm nguyên nhân
hiệu quả cho việc tôi đã viết bài này. Và có vô hạn các khuynh hướng và trạng
thái tinh vi của linh hồn tôi, chúng góp phần làm nên bài viết này.
37. Vậy mà, tất cả chi tiết này đòi hỏi các nguyên nhân tuỳ thuộc có trước hay
đặc thù hơn, mỗi cái lại cần có một phân tích tương tự để cắt nghĩa nó, cho nên
phân tích như thế sẽ không đi đến đâu. Vì vậy cần phải có một lý do đủ hay lý do
tối hậu ở ngoài chuỗi tiếp nối các cái đặc thù và tuỳ thuộc, mặc dù chuỗi này có
thể là vô hạn.
38. Do đó, lý do tối hậu của mọi sự phải tồn tại trong một bản thể tất yếu, trong
bản thể này, mọi sự thay đổi đặc thù chỉ có thể tồn tại một cách tiềm tàng như là
trong nguồn của nó: bản thể này chúng ta gọi là Thiên chúa.