NHỮNG TIỂU LUẬN MỚI VỀ TRÍ TUỆ CON NGƯỜI (Nouveaux Essais sur
l’Entendement Humain)
Những tiểu luận mới về trí tuệ con người trả lời bằng những nhận xét và những
ghi chú bên lề, cho quyển Tiểu luận về trí tuệ con người của John Locke, xuất bản
năm 1690. Những tiểu luận này - giả tạo một cách cố ý - mang hình thức một
cuộc đối thoại tưởng tượng giữa Locke và Leibniz, người thứ nhất được đại diện
bởi Philalèthe, người thứ nhì bởi Théophile. Tác phẩm vừa hoàn tất đúng khi cái
chết của Locke vào năm 1704, làm Leibniz nản lòng, hết còn hứng thú để cho
quyển sách chào đời.
Có một vẻ biểu kiến và một thực tế từ Những tiểu luận. Vẻ biểu kiến đó là sự
chạm trán giữa hai luận đề đối nghịch - không chỉ đối nghịch mà con mâu thuẫn
đến độ hầu như hoàn toàn bất tương dung - một bên là trí óc bạch bản (esprit
table rase) lúc đầu không có gì cả, trống trơn như tờ giấy trắng, chỉ dần dần nhờ
kinh nghiệm mà thu thập được những ý tưởng, và bên kia là trí óc bẩm sinh
(esprit inné) với những nguyên lý và những ý tưởng mà không có cái nào là được
rút ra từ những gì thực sự bên ngoài nó. Thực tế, là ý tưởng - rất cơ bản nơi
Leibniz - rằng những tác vụ của trí óc, ý thức mà nó có về những điều đó, và
những bất túc riêng của nó, không thể là thước đo của thực tại. Như thế, tri giác
về dữ kiện bên ngoài hay bên trong khiến ta tin rằng những ý tưởng đến từ kinh
nghiệm, hoặc là linh hồn hết còn suy tưởng khi ý thức tan biến. Thuyết duy
nghiệm của Locke, thận trọng bám sát vào dữ kiện, không đến nỗi là một nhầm
lẫn không chấp nhận được, mà đúng hơn là một sự khôn ngoan quá rụt rè mà ta
phải vượt qua; dữ liệu khả giác là cơ hội cho trí óc để tư duy về ý tưởng mà nó đã
có, và những tri giác vô cảm (les perceptions insensibles), dầu không được ý
thức, vẫn không kém là những tri giác.
Phải đọc toàn bộ Những tiểu luận, không bỏ sót phần lời nói đầu rất qua trọng, và
trong chi tiết, nó làm hiển lộ nhất là nhờ tính đa dạng của các thí dụ sự phong phú
của tư tưởng đa ngành nơi nhà siêu hình học vốn cũng là một nhà vật lý, nhà toán
học và một pháp gia.
Kinh nghiệm không dạy dỗ được gì