xu hướng hành động, mà ở mỗi người bao giờ cũng có hiệu quả nào. Kinh
nghiệm là cần thiết, tôi thú nhận điều ấy, để linh hồn được quyết định về tư tưởng
nọ hay tư tưởng kia, và để nó chú ý đến những ý tưởng ở trong ta; nhưng làm thế
nào mà kinh nghiệm và giác quan có thể sinh ra những ý tưởng? Linh hồn có cửa
sổ sao? Nó giống những bảng nhỏ sao? Nó là như sáp sao? Điều thấy rõ là những
người nghĩ thế về linh hồn, kỳ thực biến nó thành chất thể. Có người sẽ đem ra để
phản đối tôi cái công lý này đã được các triết gia thừa nhận: là không có gì trong
linh hồn mà không do giác quan mà đến. Nhưng phải loại trừ chính linh hồn và
những cảm trạng của nó. Không có gì ở trong trí thức mà trước đó đã không ở nơi
giác quan, trừ ra chính tri thức. Mà linh hồn bao hàm thực thể, bản thể, nhất thể,
đồng nhất, nguyên nhân, tri giác, suy luận và nhiều ý niệm khác mà giác quan
không thể phát sinh ra được.
… Có thể là tác giả khôn khéo của ta không đi xa hẳn quan niệm của tôi. Vì sau
khi đã dùng cả quyển thứ nhất để bác bỏ những ánh sáng bẩm sinh, hiểu theo một
nghĩa nào, ông lại thú nhận ở đầu quyển thứ hai và về sau là những ý tưởng
không có nguồn gốc ở cảm giác, nguyên do tự suy tưởng. Mà suy tưởng không
phải gì khác sự chú ý đến cái gì ở trong ta, và giác quan không sinh ra cái gì ta đã
đem sẵn với ta. Nếu như thế, ai có thể chối cãi được có nhiều cái bẩm sinh cho
chính ta, và có ở trong ta: thực thể, nhất tính, bản thể tồn tục, thay đổi, hoạt động,
tri giác, khoái lạc, và trăm nghìn đối tượng các ý tưởng trí thức của ta? Vì những
đối tượng ấy là trực tiếp và luôn luôn hiện diện ở trí tuệ ta (mặc dầu chúng không
phải bao giờ cũng được nhận thấy vì sự đãng trí và các như cầu của ta), thì việc gì
phải ngạc nhiên khi ta nói là những ý tưởng ấy bẩm sinh ở ta với tất cả cái gì tuỳ
thuộc chúng? Tôi cũng đã dùng ví dụ thứ đá cẩm thạch trơn hay những bản trống
nghĩa là cái mà các triết gia gọi là "bạch bản", vì nếu linh hồn giống cái bản
không ấy, thì các chân lý sẽ có ở ta như hình của Hercule ở trong đá cẩm thạch,
khi đá ấy hoàn toàn dửng dưng để nhận lấy hình ấy hay một hình khác. Nhưng
nếu có những gân ở trong đá vẽ thành hình Hercule hơn là các hình khác, thì đá
ấy đã được hạn định hơn, và Hercule như là bẩm sinh ở đấy mặc dầu phải có
công phu để tìm ra các gân ấy và phải chạm khắc để loại bỏ cái gì ngăn cản chúng
xuất hiện.Cũng như thế mà các ý tưởng và các chân lý bẩm sinh ở ta như những
khuynh hướng, những hướng chiều, những tập quán hay những năng thể tự nhiên,