thể dầu hoàn hảo đến đâu, nếu không có quyền năng thống trị, sẽ không phải là
Thượng đế.
Để kết thúc, xin nói thêm rằng, rất nhiều bản văn của Newton, chưa được xuất
bản, cho thấy ông còn quan tâm đến thuật luyện kim đan và thông thiên học.
Sự phồn mậu của những thuyết hữu thần
Nói ngắn gọn - dầu có những biến tấu đa dạng - chúng ta hãy gọi là thuyết hữu
thần (déisme), mọi học thuyết chấp nhận sự hiện hữu của Thượng đế, tính bất tử
của linh hồn và quy luật của bổn phận, trong khi lại bác bỏ những tín điều mặc
khải và nguyên lý thế giá trong tôn giáo.
Được khai sinh ở Ý vào thế kỷ XVI, rồi di cư qua Pháp, thuyết hữu thần sau đó
sinh sôi nảy nở ở Anh, vào cuối thế Kỷ XVII và trong nửa đầu thế kỷ XVIII.
"Một cách công khai, giống như giữa quảng trường, những cuộc tranh luận nổi
lên giữa những người theo và những người chống. Toland đưa chủ thuyết này đến
cực điểm quá khích; Bentley, Berkeley, Clarke, Butler, Warbuton bảo vệ tôn giáo
mặc khải, chống lại chủ thuyết nọ. Nói tóm lại là, không có xứ nào mà tôn giáo tự
nhiên lại được khẳng định mạnh mẽ hơn là ở Anh quốc". (Paul Hazard, khủng
hoảng ý thức Tây phương, Fayard, 1963, tr.234).
Từ 1624, ở Paris, Herbert de Cherbury (1581 - 1648) viết một bản tuyên xưng
niềm tin (profession de foi) theo thuyết hữu thần mà năm chân lý cơ bản là:
· Có một Đấng Tối cao
· Phải thờ phượng Đấng đó.
· Đời sống đạo đức là thành phần của sự thờ phượng mà con người dâng lên
Thượng đế.
· Những thói xấu và những tội ác phải được chuộc tội bằng ăn năn và hình phạt.
· Việc thưởng phạt chờ đợi chúng ta sau đời này.