Về tình trạng tự nhiên (De l’état de nature)
Mặc dầu Thomas Hobbes không được chỉ đích danh, song ông ta hiện diện khắp
nơi trong quyển Khảo luận thứ nhì về chính quyền dân sự và tư tưởng của Locke
được định nghĩa bằng sự đối nghịch lại tư tưởng của tác giả cuốn Léviathan. Con
người không tạo ra xã hội, để thoát khỏi ám ảnh về cái chết vốn gắn liền với tình
trạng tự nhiên bởi vì tình trạng tự nhiên đâu phải là một tình trạng chiến tranh,
thù hận, tàn phá. Trái lại, đó là một tình trạng tự do hoàn toàn mà - trong những
giới hạn của tự nhiên quyền - con người có thể an bài nhân thân và tài sản của họ
theo ý thích của mình không cần phải xin phép một ai cả. Đó cũng là một tình
trạng bình đẳng nơi mà tính hỗ tương đánh dấu mọi uy lực và thẩm quyền. Nhưng
tự do không phải là phóng túng bởi vẫn có một luật tự nhiên đó là luật của lẽ phải
(la loi de la droite raison) và cũng chính là thước đo của tự do.
Để hiểu đúng quyền lực chính trị, và tìm về nguồn gốc của nó, chúng ta phải xét
xem loài người tự nhiên sống trong tình trạng nào, và đó là tình trạng tự do hoàn
toàn để định hướng các hành động của họ và sử dụng các tài sản và con người của
họ theo như họ thấy thích hợp, trong những giới hạn của luật tự nhiên, mà không
phải xin phép ai, hay tuỳ thuộc vào ý muốn của bất cứ người nào khác.
Đó cũng là một tình trạng bình đẳng, trong đó mọi người có quyền lực và thẩm
quyền pháp lý tương hỗ lẫn nhau, không ai có nhiều hơn người khác; không có gì
hiển nhiên bằng sự kiện mọi tạo vật của cùng một loài và cùng một hạng, tất cả
được sinh ra một cách tình cờ với cùng những thuận lợi của thiên nhiên, và được
sử dụng cùng những khả năng, nên cũng phải bình đẳng với nhau mà không có sự
lệ thuộc hay khuất phục, trừ khi Chúa Tể của mọi loài ra một tuyên bố rõ ràng
của ý muốn ngài đặt một loài trên một loài khác, và mặc nhiên ban cho nó một
quyền thống trị tối thượng và không thể nghi ngờ.
Sự bình đẳng tự nhiên này của con người đã được Hooker coi như là tự nó hết sức
hiển nhiên và không thể tranh cãi, khiến ông đã đặt nó làm nền tảng cho sự bó
buộc về tình yêu thương lẫn nhau giữa con người và trên tình yêu này ông xây
dựng các bổn phận mỗi người phải có đối với nhau, và từ đó ông rút ra các châm
ngôn vĩ đại về công bằng và bác ái.