phần nào hay tính cách riêng biệt, ngoài các cách khác, nếu mặc dầu kết hợp vào
một vật nào, nhưng chúng có thể thực sự hiện hữu một cách độc lập. Nhưng tôi
phủ nhận là tôi có thể trừu tượng hoá hay tự tượng trưng riêng biệt những tính
cách không thể hiện hữu riêng biệt với nhau; tôi phủ nhận là tôi có thể tạo thành
một ý niệm tổng quát, trừu tượng ra khỏi các vật riêng biệt, theo cách nói trên -
và đó là hai nghĩa chính thức của tiếng trừu tượng. Tôi có ít nhiều lý do để nghĩ
rằng phần đông người ta sẽ công nhận là họ cũng ở vào trường hợp như tôi. Đại
thể những người đơn sơ và vô học chẳng có kỳ vọng nào về các ý niệm trừu
tượng. Những ý niệm ấy, họ nói, đều là bí ẩn và người ta không thể đạt tới mà
không phải khó nhọc, cố gắng. Cho nên ta có lý mà kết luận rằng nếu có, thì
chúng chỉ dành cho các nhà thông thái mà thôi.
BERKELEY, Khảo luận về những nguyên lý của tri thức con người, Q.I.
BA ĐỐI THOẠI GIỮA HYLAS* VÀ PHILONOUS**
(Trois Dialogues entre Hylas et Philonous)
Bộ Những nguyên lý được đón tiếp khá là hờ hững và lạnh nhạt. Berkeley tạo lại
cuộc "lập thuyết" (la formulation) của mình trong tác phẩm bất hủ, từ lâu đã trở
thành "một trong những đỉnh cao của nền văn học triết lý Tây phương": Những
cuộc đối thoại rất sinh động giữa Hylas và Philonous. Trong tác phẩm này triết
gia cố gắng xem xét một số phản biện mà bộ Những nguyên lý đã lờ đi hay lược
bỏ. Ông tìm cách hoà hợp triết lý với lương thức, hiểu theo nghĩa là ý kiến của
thường nhân. Như Genevìeve Brykman lưu ý "Bộ Ba đối thoại khác với bộ
Những nguyên lý ở chỗ bộ này có ý đồ giải quyết những khó khăn nẩy sinh bởi
thiên khảo luận này khi đề xuất một bằng chứng mới lạ về hiện hữu của Thượng
đế: trong khi các triết gia nói rằng có một vị Thượng đế và rằng, như vậy, Ngài
nhận ra mọi vật, thì Berkeley lại cho rằng vì nhũng vật khả giác thực sự hiện hữu
(nghĩa là không phải được tạo ra một cách tuỳ tiện theo trí tưởng tượng phóng
túng của mỗi người), vậy là tất yếu chúng phải được tri giác bởi một Tinh thần vô
hạn".
* Hylas: Berkeley đặt tên hai nhân vật trong Đối thoại dựa theo từ nguyên Hy
Lạp; Hylas có nghĩa người tin vào hiện hữu của vật chất.