P Hylas, bạn thấy nước ở vòi phun bên kia, nó được đẩy lên cao như thế nào, đi
quanh một cây cột và lên tới một độ cao nào đó; rồi nó không lên nữa, và đổ
xuống một cái bể mà từ đó nó đã phun lên: khi lên cũng như khi xuống, đều tuân
theo cùng một định luật tự nhiên hay nguyên lý trọng lực. Cũng thế, cùng các
nguyên tắc mà thoạt nhìn có vẻ dẫn tới thuyết hoài nghi, nhưng nếu theo đuổi tới
một lúc nào đó, nó sẽ đưa người ta trở về với lương tri.
George Berkeley, Ba Đối thoại giữa Hylas và Philonous.
HUME (1711 - 1776)
Sinh ở Édinbourg, David Hume là người nổi tiếng nhất trong số những triết gia
xứ Ê-cốt (tiếng Anh: Scotland). Sau những năm theo học triết lý ở Đại học
Édinbourg, ông lao vào công cuộc kinh thương để tự kiếm sống trong một thời
gian, rồi qua Pháp, lưu trú ở thành phố Reims rồi ở Flèche gần học viện của các
tu sĩ dòng Tên (Jésuites) nơi Descartes "được nuôi dưỡng với văn chương, triết
lý". Ông ở đó khoảng hai năm và soạn ra - lúc mới vừa hai mươi ba tuổi - quyển
sách sẽ mãi còn là kiệt tác của ông, quyển Khảo luận về nhân tính. Năm 1737,
ông quay về Luân Đôn và tìm được người xuất bản. Phần đầu và phần thứ nhì của
tác phẩm xuất hiện năm 1739, phần thứ ba năm 1740. Nhưng cuốn Khảo luận
không đạt được thành công như mong đợi: báo giới cho nó rơi vào im lặng,
không hề nhắc tới một lời. Lúc đó, Hume cho ra mắt, vào năm 1741, ở
Édinbourg, quyển Những tiểu luận đạo đức và chính trị, sẽ được tái bản vào các
năm 1742 rồi 1748, với những tu chính và những phụ lục. Từ thời điểm đó,
những xuất bản phẩm của triết gia không còn vô danh nữa. Năm 1748, xuất hiện
ở Luân Đôn bộ Những tiểu luận triết học về trí tuệ con người lấy lại hai quyển
đầu của bộ Khảo luận về nhân tính. Chúng sẽ được tái bản vào các năm 1750 và
1751 và năm 1758 được tu chính và bổ sung với bốn bài nghị luận sẽ mang tựa đề
Tra vấn về trí tuệ con người: Năm 1751 xuất hiện quyển Tra vấn về những
nguyên lý đạo đức mà Hume tự đánh giá như tác phẩm hoàn hảo nhất trong số
những bản văn lịch sử, triết học hay văn học của ông. Cùng năm đó, Hume bắt
đầu soạn thảo Những đối thoại về tôn giáo tự nhiên, một quyển sách sẽ chỉ ra mắt
sau khi ông mất. Năm 1757, Hume cho xuất bản, một hợp tập Bốn nghị luận:
Lịch sử tự nhiên của tôn giáo, Về những đam mê, Về bi kịch, Về chuẩn mực của
thị hiếu.