TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI - Trang 960

biệt với chuyển động trong quả thứ nhất; cũng không có chút gì trong quả thứ
nhất để gợi ý một điều gì về quả thứ hai. Một cục đá hay một miếng kim loại
được tung lên không khí, và ở đó không có gì chống đỡ, nó sẽ rơi xuống ngay;
nhưng xét vấn đề một cách a priori, liệu chúng ta có khám phá được điều gì trong
hoàn cảnh này để có thể phát sinh ý niệm về một chuyển động đi xuống, thay vì
đi lên, hay bất cứ chuyển động nào khác, trong cục đá hay miếng kim loại không?

Nói tóm lại, hậu quả là các sự kiện phân biệt với nguyên nhân của nó. Vì vậy, hậu
quả không thể được khám phá trong nguyên nhân, và việc suy ra một cách tiên
nghiệm các hậu quả hoàn toàn là tuỳ tiện; vì luôn luôn có nhiều hậu quả khác
cũng phải được lý trí coi là hoàn toàn hợp lý. Vì vậy, chúng ta không thể nào cho
rằng mình có thể xác định một sự kiện duy nhất nào, hay suy ra một nguyên nhân
hay hậu quả nào mà không có sự giúp đỡ của quan sát và kinh nghiệm.

Do đó chúng ta có thể thấy được lý do tại sao không một nhà triết học đứng đắn
và thành thật dám gán nguyên nhân cuối cùng cho bất cứ hoạt động tự nhiên nào,
hay chứng minh một cách rõ ràng hành động của nguyên nhân đó để tạo ra chỉ
một hậu quả duy nhất trong vũ trụ. Người ta nhìn nhận rằng tác động cao nhất của
lý trí con người là làm cho các nguyên lý phát sinh các hiện tượng thiên nhiên trở
thành đơn giản hơn, và giản qui con số rất nhiều các hậu quả riêng biệt về một ít
nguyên nhân tổng quát, nhờ suy luận bằng loại suy, kinh nghiệm, và quan sát.

Nhưng chúng ta vẫn chưa hài lòng mấy về câu hỏi đầu tiên được nêu lên. Mỗi
giải pháp vẫn làm phát sinh một câu hỏi mới cũng khó như câu hỏi trước, và dẫn
chúng ta tiếp tục phải tìm hiểu xa hơn. Khi chúng ta hỏi: Bản chất của mọi suy
luận của chúng ta về chất liệu sự kiện là gì thì câu trả lời thích hợp có vẻ là,
chúng dựa trên sự tương quan giữa nguyên nhân và hậu quả. Khi chúng ta hỏi
tiếp: Nền tảng của các suy luận và kết luận của chúng ta về sự tương quan này là
gì? Câu trả lời có thể tóm gọn trong một từ: kinh nghiệm. Nhưng nếu chúng ta
còn thích hỏi tiếp: Nền tảng của mọi kết luận của chúng ta từ kinh nghiệm là gì?
Nó sẽ đưa đẩy tới một câu hỏi mới có thể đòi một giải pháp và cắt nghĩa khó khăn
hơn. Các triết gia nào thích làm ra vẻ tự mãn và khôn ngoan hơn người sẽ phải
đối diện với một nhiệm vụ gay go khi họ gặp những người thích tra hỏi cho tới
cùng, đẩy họ vào góc tường để cuối cùng buộc họ rơi vào một tình huống nan
giải. Cách thuận tiện để tránh sự bối rối này là tỏ ra khiêm tốn trong các tuyên bố

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.