Truyền kỳ mạn lục
NGUYỄN DỮ
Canh dài giữ đợi giấc nằm trưa.
Sĩ quân tử ở trong danh giáo, thiếu gì thú vui hà tất lại lấy không làm có, trỏ phải ra quấy, đem chữ
nghĩa ra mà đùa cợt như vậy.
Ông khách nói:
- Nào có một mình phu nhân như thế đâu! Xưa nay những người trinh liệt bị ngòi bút trào phúng làm
cho bực mình biết bao nhiêu mà kể. Xem như Hằng Nga là tiên trên nguyệt điện, có kẻ vịnh thơ như
thế này:
Hằng nga ưng hối thâu linh dược,
Bích hải thanh thiên dạ dạ tâm.
Dịch:
Hằng Nga hối trót ăn linh dược (11),
Tẻ lạnh trời cao đêm lại đêm.
Lộng Ngọc là gái phi thăng, có kẻ vịnh thơ như thế này:
Như hà hậu nhật Tần Đài mộng,
Bất kiến Tiêu lang kiến Thẩm lang.
Dịch:
Tần Đài sau giấc mơ đêm đó,
Không thấy Tiêu lang, thấy Thẩm lang (12).
Vào cửa hầu thì nói mượn Lục Châu (13), mỉa họ Vũ thì đặt chuyện Vũ Hậu thổ (14). Toàn những
giọng nói xằng buộc nhảm. Ước sao đem được dòng nước sông Lô để vì người xưa gột rửa những
bài thơ xú ác ấy đi.
Phu nhân thu nước mắt rồi nói:
- Không có tiên sinh biết cho, có lẽ tôi thành một hòn ngọc khuê có dấu vết, lấy gì mài cho sáng, rũa
cho sạch được. Song đêm đẹp dễ qua, tiệc vui khó kiếm. Bữa nay vợ chồng tôi cùng tiên sinh hội
ngộ, chúng ta chẳng nói những chuyện ấy nữa, chỉ thêm buồn vô ích mà thôi.
Nhân bàn đến thơ văn bản triều, ông khách nói:
- Thơ ông Chuyết Am (15) kỳ lạ mà tiêu tao, thơ ông Vu Liêu (16) cao vọi mà khích thích, thơ ông
Tùng Xuyên (17) như chàng trai xông trận, có vẻ sấn sổ, thơ ông Cúc Pha (18) như cô gái chơi xuân,
có vẻ mềm yếu. Đến như ông Đỗ ở Kim Hoa, (19) ông Trần ở Ngọc Tái (20), ông Đàm ở Ông Mặc
(21), ông Vũ ở Đường An (22), không phải là không ngang dọc tung hoành, nhưng cầu lấy lời chín lẽ
tới, có thể khiến cho làng phong nhã phải phục thì chỉ duy những bài đầy lời trung ái của ông
Nguyễn ức Trai (23), lòng lúc nào cũng chẳng quên vua, có thể chen vào môn hộ của Đỗ Thiếu Lăng
được. Còn đến giọng thơ biến hóa được khói mây, lời thơ quan hệ đến phong giáo, thì lão phu đây
cũng chẳng kém thua ai mấy.