TRUYỀN KỲ MẠN LỤC - Trang 158

Truyền kỳ mạn lục

NGUYỄN DỮ

Câu chuyện như vậy có thể chép ra đến bốn năm nghìn chữ, nhưng Tử Biên không thể nhớ hết.

Chàng đứng nghe lóng ở kẽ vách đến một hồi lâu. Bỗng chàng để có tiếng sột soạt, bị ông khách

nhận thấy, ông nói:

- Cuộc hội họp hôm nay thật là hiếm được, vậy mà tựa như có người nghe trộm. Những câu chuyện

phong lưu của chúng mình, sợ bị họ đem phao truyền ra. Tiên sinh không thấy biết gì ư?

Phu nhân nói:

- Thì đến những kẻ nho sinh cầm bút sau này họ cho chúng mình là bàn xằng nói nhảm là cùng chứ

gì, có hề chi sự ấy.

Tử Biên chẳng biết là ý nói thế nào, chàng rảo bước đi vào, phục lạy ở trước chỗ ba người ngồi chơi

và hỏi về thi tứ. Ông khách liền rút ở trong lòng ra một quyển sách, ước trăm trang giấy, trao cho

chàng mà bảo:

- Cứ về mà giở quyển này ra, sẽ tha hồ đọc, bất tất phải tìm ở tập nào khác nữa.

Một lúc sau bầu nghiêng chén cạn, chủ khách vái chào từ giã nhau. Ông khách ra rồi, Tử Biên cũng

đi nằm ngủ. Đến lúc mặt trời đã mọc, chàng ngồi vùng dậy, té ra thấy mình nằm trên cỏ, áo đầm

những sương, chỉ có đông tây hai ngôi mộ nhà ai nằm đó. Mở quyển sách ra xem thấy toàn là những

giấy trắng chỉ có bốn chữ "Lã Đường thi tập" nét mực còn óng ánh chưa khô. Bấy giờ chàng mới

hiểu ông khách ấy, tức là Lã Đường Sái tiên sinh (24) và hỏi thăm người ở đây, mới biết hai mộ này

là mộ vợ chồng quan Giáo thụ họ Phù (25).

Tử Biên bèn tìm đến làng Sái tiên sinh, dò hỏi di cảo tập thơ Lã Đường, thấy gián nhấm mọt gặm,

tản mác mất cả. Chàng nhân đi xa gần để hỏi han, hết sức cóp nhặt, dù nửa câu, một chữ cũng không

bỏ sót. Cho nên từ khi Triều Lê dựng nghiệp thi sĩ có đến hơn trăm nhà, mà duy tập thơ của ông Sái

thịnh hành, đại khái đều do công sức của Mao Tử Biên cả.

Chú thích

(1) Kim Hoa: nguyên chú: "Tên huyện, thuộc xứ Kinh Bắc. Chi Lan người xã Phủ Lỗ", nay thuộc

ngoại thành Hà Nội. Ngô Chi Lan là vợ quan Giáo thu Phù Thúc Hoành, dạy Kinh Dịch ở trường

Quốc Tử Giám, sau được thụ chức Hàn lâm học sĩ. Ông người làng Phù Xá cùng huyện. Tên phu

nhân họ Phù có sách ghi là Liễu Hạ Huệ.

(2) Đoan Khánh: niên hiệu của Lê Uy Mục từ 1505 đến 1509.

(3) Phần Lão: tức Phan Đại Lâm đời Tống, Phần Lão là tên tự; đang đêm ông làm thơ, chợt có

người đến thúc thuế, cụt hứng phải bỏ dở.

(4) Rượu La Phù: La Phù là tên một ngọn núi ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tương truyền Cát

Hồng đời Đông Tấn học được phép thuật của tiên ở đây. Rượu La Phù: rượu tiên.

(5) Vệ Linh: nguyên chú: "Núi Vệ Linh ở huyện Kim Hoa, xã Vệ Linh, nay tên là núi Ninh Sóc"; nay

thuộc ngoại thành Hà Nội.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.