- Đấy, thế đấy!... Có một sự cân bằng nào đó, ta cố thúc cho học sinh đạt
mức trung bình. Vấn đề này tôi đã từ lâu quan tâm đến nhưng không biết
nói ở đâu?
- Viết lên báo chị ạ, - Constantin Sergheevich nói.
- Tôi chẳng biết viết báo đâu.
- Vậy thì đặt vấn đề ở hội nghị giáo viên vậy - Cô Varvara Timofeevna
góp ý.
Cô Vaxivia Antonnovna nói:
- Làm việc đó chẳng có lợi ích gì. Vấn đề này cần phải đặt ra ở Bộ giáo
dục, hoặc là ở hội đồng bộ trưởng mới được. Hiện tượng này đâu có phải
chỉ ở trường ta thôi...
Constantin Sergheevich ngồi tựa lưng ra sau ghế, tay gõ chiếc bút chì lên
mặt bàn, dáng đăm chiêu. Cô Vaxivia Antonnovna đã đặt ra một vấn đề rất
quan trọng và phức tạp. Chính gần đây anh có nói chuyện với tổ chức
Komsomol của trường về vấn đề này.
Sau mỗi cuộc họp chi bộ ở phòng giáo viên thường xảy ra những cuộc
tranh luận sôi nổi và đúng nguyên tắc. Họ thường thảo luận những bài báo,
bàn về những hiện tượng cụ thể trong trường và hầu như tất cả giáo viên
đều tham gia vào những cuộc tranh luận đó. Những người thờ ơ ngày càng
ít đi.
Điều đáng mừng nhất là, những lý do cá nhân, những bực dọc riêng tư,
sự xoi mói và hiểu lầm đã từng cản trở sự trao đổi ý kiến thẳng thắn và
chân thành đã trở thành thứ yếu. Giáo viên không còn giữ kẽ nữa, không cố
ý bảo vệ “trí óc sáng suốt tuyệt đối” của mình nữa, họ không sợ nói lên
những suy nghĩ thật của họ. “Có gì là đáng sợ đâu nếu họ có thể nhầm lẫn
lắm chứ, và chính ở đây, trong tập thể này các đồng chí sẽ giúp họ tìm ra
một quan điểm đúng đắn chung cho tất cả họ. Trường học Xô Viết hãy còn
quá non trẻ và còn đang tìm những phương hướng giáo dục đúng đắn. Đối
với những kinh nghiệm giáo dục trước cách mạng cần phải có thái độ phê
phán, chọn lọc”.