nghị quyết đó và không phải chỉ trong cuộc họp mà mọi lúc, trong tất cả
những chi tiết vặt vãnh của nó.
- Tôi tôn trọng nghị quyết của Hội đồng giáo viên, - Lidia Andreevna cắt
ngang lời Maria Mikhailovna - nhưng nếu như không phải lúc nào tôi cũng
đồng ý, thì đó không phải là tôi không đi cùng một nhịp với mọi người, như
chị đã cho phép biểu đạt mà bởi vì tôi cho rằng tất cả những trò thí nghiệm
trong công việc của chúng ta là những việc mạo hiểm. Đồng chí hiệu
trưởng đã nhắc nhở chúng ta trách nhiệm thiết lập một hệ thống làm việc
mới. Nhà trường Xô Viết không cần có thêm việc thí điểm này cũng đã có
thừa các loại cải cách cực đoan không cần thiết rồi. Chúng ta phải tuân theo
những quy định của Bộ và phải làm việc như Bộ đòi hỏi chúng ta. Bài báo
cáo của chị cũng như trích dẫn của Macarenco không hề thuyết phục được
tôi, chị Maria Mikhailovna ạ. Chị hãy đọc lại Macarenco cho kỹ xem.
Chính ông cũng đã phải rào trước là ông không làm việc trong một trường
học bình thường như những trường học khác là không biết hết hoàn cảnh
của chúng ta cơ mà...
Natalia Nicolaevna vào phòng giáo viên đúng lúc đang tranh cãi gay gắt
nhất, không biết lý do ra sao cô nghe Lidia Andreevna với cảm giác gần
như sợ hãi. Cô không thể không nhìn thấy trong tập thể giáo viên đang nổ
ra cuộc đấu tranh và cô cảm thấy mình phải tham gia vào đấy, nhưng không
mường tượng rõ phải tham gia như thế nào. Khoảng mười ngày trước đây
Anna Vaxilievna có đề nghị cô một điều hơi kỳ lạ:
- Natasa, tôi định đề nghị cô... Giúp tôi một việc.
- Xin sẵn sàng, bác Anna Vaxilievna ạ, dĩ nhiên là nếu tôi có thể giúp
bác.
- Có thể chứ. Cô còn trẻ, có nghị lực, không sợ công việc. Hơn nữa, khối
lượng công việc của cô không lớn lắm, lương bổng chả là bao... Tuy rằng
tôi biết chồng cô là là triệu phú, - bà mỉm cười nói, - nhưng dù sao... Hãy
gánh đỡ bớt tôi một số giờ, dạy hộ tôi một lớp có được không?...
- Môn sử à? - Natalia Nicolaevna ngạc nhiên.