Freud dựa vào thuyết thu tóm (recapitulation) đã nhắc ở trên – giúp chúng ta
hiểu tại sao ông nghĩ rằng có thể biết về quá trình tâm lý, sự suy nghĩ của
con người nguyên thủy từ tâm lý, suy nghĩ của những người bệnh nơ rô, của
những trẻ em hiện đại.
6.
Cơ sở triết học Freud giải thích văn minh và tôn giáo là chủ nghĩa duy vật
thực nghiệm (empiricist materialism), theo đó, Gót là một giả thuyết và
không đứng vững. Lịch sử văn minh loài người là một đấu tranh dài chống
tự nhiên, cả thiên nhiên ngoài lẫn nội tâm trong. Tin tưởng vào Gót được
xem như một thứ nỗ lực hoà giải con người với sự nương tựa mật thiết của
nó vào tự nhiên vốn hầu hết cảm nhận qua những kinh nghiệm đầy thương
tổn.
Freud diễn dịch sự hình thành của những tôn giáo trong cái nhìn theo những
chức năng hoà giải của nó trong sự xung đột này giữa tự nhiên và văn hoá,
giữa con người và xã hội. Như dẫn chính ông ở đoạn trên, tôn giáo đem lại
cho con người sự thú nhận những yếu đuối tự thân của chính nó và đồng
thời cũng cho nó giữ lại một ý nghĩa ưu việt vượt trên thực tại vây quanh.
Cái giá của sự thoả hiệp này sự tuân phục một “ảo tưởng”. Các lý thuyết
trong nội dung tôn giáo, đều phải tuân theo không chất vấn, chúng không
phải là kết quả của suy tưởng siêu nghiệm, cũng không phải là từ kinh
nghiệm tâm linh, lại càng không là những “mặc khải” thần bí, nhưng chúng
chỉ là những tưởng tượng đã được tinh luyện của chính con người, là những
ao ước-muốn thành trước những nhu cầu cơ bản nhất của con người.
Sức cuốn hút mạnh mẽ của “ảo tưởng” do đó là sức mạnh thôi thúc của
những nhu cầu thầm kín này. Trung tâm điểm của tưởng tượng tôn giáo, một
Gót-Người Cha (Father-God), dựng lên từ những vật liệu lấy từ kinh nghiệm
thơ ấu của con người: đứa trẻ yếu đuối không tự bảo vệ được mình đã tạo ra
nhu cầu muốn được bảo vệ; nhu cầu này là động lực của yêu thương và
mong đợi của nó về một người cha và buộc nó phải dìm xuống tất cả những
ác cảm nó có với ông như đối thủ của nó trong tương quan phức tạp tay ba –
cha-mẹ-con – Freud gọi là mặc cảm Oedipus.