và những gì không phải là nó – con người và không-con người – ngã và phi
ngã cùng phi-nhân – đồng loại hay thiên nhiên.
Đọc Freud, không thể không tránh được cái nhìn của ông về con người - đó
là một con thú hoang, sống bằng những bản năng, chúng ta gọi là những thú
tính, những gì là nhân tính đến sau, khi kết hợp thành cộng đồng, xã hội.
Con thú người đó đơn độc trước thiên nhiên nên đã quần tụ tạo lập những xã
hội, bớt được những gánh nặng từ thiên nhiên phi-nhân, nhưng lại gánh
thêm những nhọc nhằn từ tha nhân, những tổ chức, định chế, nghi thức,
khuôn phép.
Nhân tính không thay thế thú tính, chỉ đẩy nó xuống dưới, đàn áp nó. Thế
nên nó luôn luôn nổi loạn, cả ngoài xã hội lịch sử, lẫn bên trong từng cá
nhân. Từ ấu thơ đến trưởng thành, thế giới nội tâm là thế giới giông bão, nói
theo Freud trong bài này, thế giới bên trong mỗi người cũng đầy những động
đất, lũ lụt, sóng gió như ngoài thiên nhiên, chúng ta có thể thêm cả thèm
khát những gì không được xã hội cho phép, dâm loạn, chém giết - “giết
người trong mộng” - thù hận - “còn tình đâu nữa là thù đấy thôi”
- Thế giới bên trong con người, cái thế giới nội tâm mà Freud đã là người
tiên phong ở phương Tây mở đường chính thức thăm dò, đã vẽ ra mô thức
tâm lý với ý thức, tiền-ý thức, và vô thức,... nhắc sau. Nhìn như thế sẽ hiểu
tại sao Freud luôn nói tới “thái độ thù nghịch của con người cá nhân với văn
minh”.
Như thế, ở đầu thế kỷ XX, Freud dùng từ văn minh một cách rộng rãi, đồng
nghĩa với từ văn hoá, trong ý hướng nhân loại – chỉ về những thực hành, lối
sống, tin tưởng và những khí cụ vật chất hay sản phẩm mỹ thuật (thí dụ
tranh, tượng) – tất cả có thể xác định một tập thể, một tập hợp lớn hay nhỏ
(đơn vị văn hoá) gồm những con người thường còn trong tình trạng đồng
chủng. Do đó chúng ta nói đến một văn minh hay văn hoá của một bộ lạc
sống ở một vùng núi hẻo lánh, hay văn minh của một sắc dân trong vùng
Amazon còn ở thời đồ đá, hay cũng có khi “văn minh” chỉ toàn nhân loại,
như khi chúng ta thường nói – một ngày nào đó “chiến tranh nguyên tử sẽ
huỷ hoại nền văn minh”.