Nên chuyện đã kể rằng - khi trời quên không mưa – họ đã nhờ cóc lên hỏi.
Như thế, trời của người Việt có loài cóc hiểu về ông ta nhiều hơn – nó biết ý
ông vua trên cao ấy – Thượng đế - nên người ta dạy trẻ con nên để ý - khi
thấy nó nghiến răng (đó là nó sửa soạn sắp được một bữa ăn no nê – khi côn
trùng bay ra trước cơn mưa bão sắp đến) - là nó báo “trời” sắp mưa.
Với tâm lý thực tiễn và hiểu biết thô thiển nhưng rất duy vật và duy nghiệm
của người Việt, chúng ta biết con cóc có “họ hàng” với Trời của chúng ta –
ông Trời, nếu dùng danh xưng cho văn vẻ, Thượng đế – gọi nó bằng cậu –
vậy là Thượng đế có họ về bên ngoại với loài cóc. Chưa kể cóc và các bạn
của nó - toàn là các con vật thông thường - có thể ”náo loạn” nhà trời đã
không mấy khó khăn, vậy Trời của người Việt cũng không ghê gớm gì cho
lắm!.
Trước đây - khi dịch Russell - Có Gót hay không - Tôi đã băn khoăn, không
thể dịch Gót thành Thượng đế như các nhà truyền đạo Kitô mong muốn, vì
lý do học thuật (có lẽ họ cũng có người đã từng băn khoăn như tôi – nên đã
có cố gắng ban đầu dịch là “thiên chủ”, chứ không là “thượng đế”). Thế nên,
tôi đề nghị và giữ nguyên từ “God” – đọc là “Gót” - thay vì dịch là Thượng
Đế (Trời, Tạo Hóa), hay xa hơn chúa Trời – vì cả hai từ này – và tất cả các
từ tương tự khác có trong Việt, hay Tàu - đều không hề có chứa khái niệm
”Ex nihilo” (Latin, “out of nothing”) – là khái niệm chủ yếu trong nội dung
từ “God” của các tôn giáo Abraham, như đã nói trên.
Trong tư tưởng phương Tây, God tạo ra vũ trụ từ hư không, chủ thể này, nếu
giả định là có đi nữa, thì ở ngoài vũ trụ này. Trong khi đó, ở phương Đông,
Tàu, Ấn và Việt, các vị như Trời, Thượng đế, Brahman,… đều ”thuộc” vào
vũ trụ này, ở trong vũ trụ này cùng với con người, dù khác biệt gì gì đi nữa -
Nếu gọi vũ trụ này là một tập hợp U (Universal set) – God không phải là
một phần tử của U - theo định nghĩa của tôn giáo phương Tây. Còn Trời,
Thượng đế, Thiên đế, Brahman,…đều là phần tử - dù đặc biệt - của tập hợp
vũ trụ U này ”.
Trở lại với ”ảo tưởng” của Freud, với ”cháu gọi cóc bằng cậu” vẫn có của
người Việt, nên tôi không dịch Gót là Trời, hay Thượng đế. Đó không chỉ là
công bằng nhưng còn là kính trọng.