Kế đó, trong khi trì danh, phải giữ sao cho sáu chữ hồng danh từ tâm
tưởng khởi, từ miệng phát ra, nghe lọt vào tai, ví như ba cái bánh xe xoay
vần qua lại, cốt sao tâm tưởng thật trong sáng, rõ ràng, miệng niệm được rõ
ràng, tách bạch, tai nghe rõ ràng, rành mạch. Tự niệm, tự nghe như thế, từng
chữ dựa chặt vào nhau, trong khi niệm đừng đánh mất một câu nào. Ðây là
tầng công phu thứ ba.
Thêm nữa, lúc chúng ta niệm Phật, chẳng luận là miệng tụng hay ý trì,
hãy nên giữ cho không có tạp âm, chỉ còn mỗi mình tiếng niệm Phật. Do A
Di Ðà Pháp Thân ở khắp mọi nơi, Phật quang cũng chiếu thấu khắp nơi. Vì
thế lúc niệm Phật, từ nơi ta phát ra tâm thanh (âm thanh phát xuất từ tâm),
tâm thanh hòa nhập vào Phật quang, Phật quang lại nhập vào tâm thanh.
Tâm thanh và Phật quang dung thông như thế thì ta chính là Di Ðà, Di Ðà
chính là ta. Ðây là tầng công phu thứ tư.
Theo đúng những điều vừa nói ở trên, tinh tấn tu tập từng tầng, khiến
cho chỗ chín biến thành chỗ sống, chỗ sống chuyển thành chỗ chín. Ðến khi
đạt đến tầng thứ tư thì chính là ngày thành tựu Nhất Tâm vậy.
Tiếp đến nói về Trợ Công Phu. Chánh Công Phu cố nhiên là thẳng
chóng, ổn thỏa, thích đáng, nhưng chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay quen
thói phiền não đã sâu, vọng niệm tơi bời; nay muốn dùng một câu Phật hiệu
đè nén chúng cho khỏi tạo nghiệp, không còn vọng tưởng, thì tuyệt đối
chẳng thể thực hiện được điều đó trong một thời gian ngắn. Vì thế, phải
dùng Trợ Hạnh để giúp sức.
Nếu có thể hằng ngày tự cảnh tỉnh, quan sát lỗi ác của chính mình, thành
tâm sám hối, mong tiêu nghiệp chướng, thấy người khác làm lành liền tùy
hỷ, tán thán để tăng phước đức; tùy hỷ, sám hối như thế đều hồi hướng vãng
sanh Tây Phương thì đấy chính là Trợ Hạnh thứ nhất.
Tiếp đến là pháp Hân Yểm (ưa thích và nhàm chán). Trong các sanh
hoạt thường nhật, chẳng luận là ăn, mặc, đi, đứng, đối với mọi thứ trong cõi
Sa Bà đều nhất loạt coi là ô uế mà chán lìa. Ðối với các thứ trang nghiêm
được diễn tả trong ba kinh Tịnh Ðộ đều tưởng là thanh tịnh, sanh lòng ưa
thích. Chán lìa thì không tâm tham luyến. Vui mừng, hâm mộ thì tự tăng
thêm ý nguyện cầu sanh. Ðến khi hân yểm cùng cực thì thân tuy ngụ Sa Bà,
nhưng chẳng còn là khách trọ lâu ngày trong cõi Sa Bà nữa; tuy chưa chứng
Cực Lạc, nhưng đã sớm là người thường trú chốn Liên Bang. Ðây chính là
yếu quyết mầu nhiệm của Tịnh Tông, chẳng thể nói là giống như những lời
lẽ “bất hân bất yểm” của các tông khác. Ðây chính là Trợ Hạnh thứ hai.
Thêm nữa, về pháp phương tiện để chế ngự Hoặc, nên biết rằng niệm
Phật chẳng được Nhất Tâm là do vọng niệm làm loạn. Nhưng vọng niệm
chính là Hoặc, mà cũng chính là Ma. Kinh Niết Bàn dạy: “Tu Ðà Hoàn đoạn
Kiến Hoặc như cắt đứt dòng sông chảy mạnh rộng bốn mươi dặm”. Vì thế