Kinh dạy: “Ly kinh nhất cú, tức thị ma thuyết” (nói sai khỏi kinh một câu,
chính là ma nói). Kinh Pháp Hoa cũng dạy: “Y pháp bất y nhân” (nương
theo pháp, chẳng nương theo người). Chúng ta tu Tịnh Ðộ nương theo lời
Phật, có bằng chứng chân thật. Nếu không, dù ai có danh tiếng lớn lao đến
đâu mà lời nói chẳng phù hợp với lời Phật, chúng ta cũng chẳng tin.
Vì sao Tịnh Ðộ Tông chỉ nói Tín - Nguyện -Hạnh mà chẳng nhắc đến
Giải? Trong kinh cũng có thí dụ: Dù cho bậc trí huệ đệ nhất là ngài Xá Lợi
Phất, khắp toàn thân đều có miệng, và lại có vô lượng vô biên Xá Lợi Phất
trong vô lượng vô biên kiếp giảng giải đạo lý Tịnh Ðộ thì cũng chẳng thể
giảng trọn hết. Tôi vốn chẳng có năng lực ấy, chỉ có một hai quyển kinh làm
cơ sở, ngay cả kinh A Di Ðà tôi cũng còn hiểu chưa hết. Trong kinh ấy câu
nào cũng đều là vô lượng vô biên bí quyết trọng yếu để tu hành. Vì vậy,
muốn thoát sanh tử thì phải là kẻ đã liễu sanh tử mới chẳng đến nỗi lầm lạc.
Tịnh Ðộ Tông lấy Tín - Hạnh - Nguyện làm cơ sở, chúng ta cứ chiếu theo đó
mà hành. Phật là bậc đã liễu sanh tử, Phật dạy như thế nào, ta cứ tin như thế
ấy, hành như thế ấy ắt sẽ thành công. Nếu tự lầm cậy mình thông minh, nhất
định sẽ hiểu biết sai lạc vậy.
Trong Tín - Nguyện - Hạnh, Tín là gì?
Thứ nhất, tin rằng nếu không học Phật sẽ vĩnh viễn luân hồi trong lục
đạo, chẳng được giải thoát. Bất cứ tôn giáo khác nào đều chẳng thực hiện
được việc này.
Thứ hai, tin rằng học Phật thì phải mất ba đại a tăng kỳ kiếp mới có thể
thành Phật. Chỉ có pháp môn Tịnh Ðộ trong thời gian ngắn liền có thể thành
tựu ngay trong đời này. Cổ đức nói: “Vạn người tu vạn người đậu”. Kinh A
Di Ðà dạy: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghe kinh này mà thọ trì và
nghe danh hiệu chư Phật thì các thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy đều được
hết thảy chư Phật hộ niệm, đều được chẳng thoái chuyển nơi Vô Thượng
Chánh Ðẳng Chánh Giác”. Ðấy chính là “vạn người tu, vạn người đậu”.
Nhưng chúng ta ở đây dù niệm Phật dăm ba năm cũng chỉ là miệng niệm.
Chỉ khi vãng sanh Tây Phương rồi thì nghe chim, cây phát ra tiếng bèn niệm
Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Lý thâm áo này phàm phu chẳng thể hiểu nổi,
ngay cả bậc đã chứng Nhị Quả cũng không cách nào hiểu rõ. Chỉ nên tin
chắc vào Thánh Ngôn Lượng chẳng nghi thì mới có thể thành công.
Thứ ba, tin sâu xa rằng chúng ta tu pháp môn Tịnh Ðộ, quyết định sẽ
thành tựu trong đời này, quyết định “vạn người tu, vạn người đậu”.
Thứ tư, tin rằng lúc vãng sanh, A Di Ðà Phật nhất định đến trước mình
tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc thế giới. Tin sâu rằng đã tu pháp môn Tịnh Ðộ
thì phải chấp trì danh hiệu chẳng buông. Từ nay sanh lòng tin sâu xa chẳng
nghi, đến chết cũng chấp trì danh hiệu chẳng buông, dù cho bom nguyên tử
có rớt xuống cũng chấp trì chẳng bỏ thì mới thành công vậy.