Hiện giờ tôi thấy tình huống của quý vị rất tốt, rất phù hợp với những
điều được dạy trong kinh A Di Ðà. Kinh dạy: “Ðều được chẳng thoái
chuyển nơi Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”. Quý vị phước khí chẳng
nhỏ, nhưng có mấy vị chưa nghe đến đây đã lui ra rồi, thật là đáng tiếc! Tôi
rất lưu tâm đến điều này, bọn họ phước báo không nhiều, nhưng quý vị thì
không giống vậy. Nếu nghe minh bạch thì đều có thể thành công bởi vì hạt
giống Kim Cang đã rơi vào tám thức điền của mọi người. Do quý vị giữ tinh
thần lắng nghe thì mới biết là quý vị đã được phước báo to như cõi trời, hạt
giống ấy vĩnh viễn chẳng bị tiêu diệt. Ðiều khẩn yếu là hai chữ “bất thoái”,
vĩnh viễn chẳng thoái thất. Nếu khéo công phu thì ngay trong đời này thành
tựu. Nếu không thì sớm muộn gì hạt giống Kim Cang sẽ nảy mầm, lúc ấy
chính là lúc quý vị thành tựu kết quả.
Tiếp đến là nói về Nguyện. Hiện tại mình học Phật rồi, đã biết có vô
lượng vô biên Tịnh Ðộ. Nhưng chúng ta tu Tịnh Ðộ, phải phát nguyện sanh
về Tây Phương Cực Lạc thế giới là điều vĩnh viễn chẳng biến cải, chớ có ai
nói gì cũng tin, chẳng thể sáng ba, chiều bốn. Dù cho có ai nói thế giới nào
tốt đẹp ngàn vạn lần cõi Tây Phương, ta cũng chẳng trái bỏ ý niệm Phật lúc
đầu. Dù cho ai dạy pháp môn nào hay hơn, lẹ làng hơn pháp môn Niệm Phật
Vãng Sanh cũng vĩnh viễn chẳng biến cải. Có khí phách kiên định, nguyện
thiết tha như thế thì nguyện ắt thành.
Nếu đã tu Tịnh Ðộ rồi lại đổi tu pháp khác tức là tu cả ba, bốn pháp môn
thì không có pháp nào tu thành công hết. Ðã phát nguyện vãng sanh Tây
Phương thiết tha rồi, đã có lòng tin rồi, đã có căn cứ rồi, bất luận là tình hình
nào cũng vĩnh viễn chẳng biến cải thì ắt sẽ thành tựu.
Lại nói về Hạnh. Hạnh rất đơn giản. Kinh Ðịa Tạng, kinh Dược Sư, kinh
Pháp Hoa, Tam Tạng mười hai bộ kinh đều hay cả, nhưng nếu vậy chẳng lẽ
mỗi ngày tụng hết cả Tam Tạng mười hai bộ kinh sao? Muôn phần chúng ta
chẳng nên dùng phàm để suy thánh, tưởng tâm Phật, tâm Bồ Tát giống như
tâm phàm phu: nếu mình lễ bái vị này, không lễ bái vị kia, chỉ sợ đắc tội với
vị kia. Ðấy thật là ngu si. Chúng ta có tâm phân biệt, chứ Phật chẳng hề có.
Nếu chúng ta ngu si, niệm kinh này, niệm kinh kia thì không một ai trong
một ngày niệm xong Tam Tạng mười hai bộ kinh được cả!
Tu Tịnh Ðộ cực giản dị, dù cho chẳng niệm kinh A Di Ðà, chỉ niệm Phật
cũng được. Vạn đức hồng danh, bất luận là Nam Mô A Di Ðà Phật, hoặc bốn
chữ A Di Ðà Phật, câu hồng danh này bao hàm vô lượng vô biên danh hiệu
Phật. Bởi lẽ A Di Ðà Phật chính là Pháp Giới Tạng Thân, niệm một câu Phật
cũng như niệm hết thảy Phật.
Hơn nữa, chữ A trong A Di Ðà Phật chính chữ thứ nhất trong Hoa
Nghiêm Tự Mẫu của kinh Hoa Nghiêm. Thế Tôn cuối đêm thấy sao Mai,
kiến tánh thành Phật, liền quán tưởng chữ A. Không có chữ A này thì cũng