phải lần chuỗi, miệng niệm khơi khơi gọi là tu. Còn nếu không tu thì làm sao
đi được? Còn nói ‘mười niệm vãng sanh’, chúng ta niệm Phật đã niệm hết
25 năm rồi, đừng nói chỉ có mười niệm, mười vạn niệm cũng chẳng phải là
quá đáng, nếu những niệm đó đều hư dối, chẳng chân thật, vậy thì tới lúc
lâm chúng rất nguy hiểm! Trong mười vạn niệm ấy chưa từng có một niệm
được nhất tâm bất loạn. Còn ‘trợ niệm vãng sanh’ được coi là bảo hiểm cuối
cùng. Mục đích của sự trợ niệm là nhằm giúp cho người sắp mất giữ được
chánh niệm. Lúc lâm chung, tứ đại phân tán giống như gió, như dao cắt thịt,
đau đớn vô cùng, lúc đó rất dễ đánh mất chánh niệm. Nếu có người nhắc nhở
và người sắp lâm chung có thể chấp trì danh hiệu thì trợ niệm như vậy mới
có hiệu quả. Nếu chỉ có người đến trợ niệm niệm Phật, còn người sắp lâm
chung chẳng chịu niệm thì cũng không thể vãng sanh. Do đó mới biết bất
luận tông phái nào đều cần phải ‘Giải Hành tương ứng’ (Hiểu và Làm đi
đôi), đối với Lý có thể hiểu rõ, đối với Sự có thể tu hành chân thật. ‘Giải’ có
thể dẫn dắt ‘Hành (sự tu hành), Hành có thể chứng minh cho ‘Giải’. Như
vậy mới không đến nổi tu mù luyện đui, rơi vào hầm lửa, chư vị phải dụng
công căn cứ vào những điều nói trên.
Gặp cảnh chế ngự phiền não.
Chư vị ở đây niệm Phật, cầu được nhất tâm bất loạn, tại sao mong cầu
đã lâu mà chưa được? Vì chính mình không thể làm chủ được. Tại sao vậy?
Vì chưa minh tâm kiến tánh. Nếu chân tâm bản tánh có thể làm chủ thì sẽ
được tự tại, sẽ được nhất tâm bất loạn lâu dài. Nếu tâm vô cùng rối loạn, thì
muốn liễu sanh tử, muốn thoát ra khỏi luân hồi là điều không thể được! Nếu
vậy thì không có kế sách nào có thể làm hay sao? Có chứ, nhất định phải noi
theo Phật pháp. Thí dụ như bịnh tật, người bị bịnh phải tự biết mình bị bịnh,
phải nghe lời bác sĩ mà uống thuốc. Nếu chỉ nghe qua loa, nhưng không chịu
uống thuốc thì làm sao lành bịnh cho được! Nên biết muốn được quả ‘nhất
tâm bất loạn’ thì phải trồng nhân ‘tịnh niệm tiếp nối’. Nhưng người tại gia
chúng ta phải làm việc để kiếm sống nên không thể chẳng bị nhiều việc
trong đời sống trói buộc, vậy thì làm sao có thể làm được tịnh niệm tiếp nối?
Trừ lúc làm việc của mình phải tận tâm làm tròn trách nhiệm, đối với ‘tài
sắc, tiếng tăm, ăn uống, ngủ nghỉ’, hết thảy đều chẳng quan tâm, để ý tới! Ý
chí đều đặt nặng trên sự liễu sanh tử, thì có rảnh rỗi đâu nữa để quan tâm tới
những thứ này? Nếu cả ngày đều chú tâm trên những việc này, không những
liễu sanh tử không nổi, e rằng còn tăng thêm rất nhiều hạt giống sanh tử nữa.
Tu hành có chánh công phu và trợ công phu. Chúng ta không thể niệm
Phật cả ngày. Người có thể niệm Phật suốt ngày thì chánh công phu là niệm