Trần Cảnh vội nhìn cha, lòng không nỡ rời xa nơi thanh bình này.
-Được rồi, về thu xếp đi, đầu tháng sau chuyển đến phủ Nội thị ở Thăng
Long sống. Ta sẽ không để hai đứa phí cả cuộc đời ở nơi này.
Chùa Chân Giáo, mùa xuân năm Kiến Gia thứ mười bốn, Giáp Thân,
1224.
Khói tỏa nghi ngút từ lư hương vàng lớn đặt ở ngưỡng cửa đại điện, tỏa
trắng một vùng chùa Chân Giáo. Nắng xuyên qua lớp khói hương, chạm
đến những bậc thềm còn vương sương mới mùa xuân. Vạn vật như có làn
da mới, bóng bẩy và mỡ màng, từ chiếc lá non vừa mới nhú, đến cánh chim
yến sải cánh dưới trời xuân.
Mùa xuân, đúng là mùa khiến cho con người ta thấy mình trà trề sức
sống, tràn trề hi vọng.
Từ dưới chân những bậc tam cấp cao và gồ ghề, một bóng nữ nhân bé
nhỏ, người trùm một chiếc áo choàng màu đỏ tươi dài đến gót, lướt đi thanh
thoát như một tiên nữ. Làn da của nàng vốn đã trắng, lại thêm màu đỏ tươi,
sắc xuân càng thêm mặn mà. Nàng quả thật như lời Đàm Thái hậu, càng
ngày càng xinh đẹp, đến nỗi có thể gọi là Điêu Thuyền của Đại Việt.
Xuân năm nay, nàng mười bảy, phơi phới như một đóa phù dung, nghiêng
nước nghiêng thành. Triều thần đã bắt đầu đả động đến chuyện cưới xin của
nàng, cũng như đã bắt đầu gây sức ép trước chuyện huyết thống đứt đoạn
của họ Lý.
Nàng chắp tay quỳ giữa đại điện, đã nửa canh giờ rồi, nàng vẫn im lìm
như trước. Nửa năm qua, nàng lớn thêm nhiều, suy nghĩ cũng trưởng thành
hơn, nàng hiểu rõ hơn nhiều điều, cũng căm thù thêm nhiều người. Nửa
năm qua, cuộc đời nàng đã gặp bao sự đổi dời.