tiền sử này bao gồm cả từng bị tống giam trong thời gian dài, hẳn nó có thể
làm chệch độ tuổi phỏng đoán của nghi phạm.
Chuyện đó chẳng có gì mới. Các chân dung CBTB thường cực kỳ
chính xác nhưng thật hiếm khi dẫn tới bắt được một nghi phạm. Chân dung
gửi cho Winston có thể khớp với hàng trăm, có khi hàng ngàn người trong
khu vực Los Angeles. Thế nên sau khi đã rà soát tất cả các manh mối điều
tra rồi thì chẳng còn gì để làm ngoài đợi.
McCaleb ghi chú về vụ này trong lịch của mình rồi chuyển sang
những vụ khác.
Vào tháng Ba năm tiếp theo - tám tháng sau vụ thứ hai - McCaleb bắt
gặp lại mẩu ghi chú đó, đọc lại hồ sơ rồi gọi cho Winston. Không có gì thay
đổi cho lắm. Vẫn chẳng thêm manh mối hay nghi phạm nào. McCaleb thúc
giục điều tra viên của Cảnh sát trưởng bắt tay khảo sát hiện trường thủ tiêu
hai cái xác và mộ hai nạn nhân. Ông giải thích rằng tên giết người đang ở
vào đoạn cuối chu kỳ của hắn. Các cuồng tưởng của hắn sắp sửa khô cạn.
Nỗi thôi thúc tái tạo lại cho tươi mới cảm giác quyền lực và làm chủ một
con người khác, rồi nó sẽ lớn dậy và càng lúc càng khó kiểm soát. Việc
Nghi phạm Chưa biết hình như đã mặc áo quần cho mấy cái xác sau khi thủ
ác trong hai vụ giết người đầu tiên là dấu hiệu cho thấy rõ cuộc đấu tranh
dữ dội diễn ra trong óc hắn. Một phần của hắn xấu hổ vì việc hắn đã làm -
một cách vô thức, hắn tìm cách che đậy nó bằng cách trả quần áo của từng
nạn nhân về chỗ cũ. Điều này gọi ý rằng sau chu kỳ tám tháng, tên giết
người rồi sẽ rơi vào một cơn bấn loạn tâm lý khủng khiếp. Nỗi thôi thúc
hành động theo cuồng tưởng một lần nữa, và nỗi xấu hổ mà hành động đó
sẽ mang lại, đó là hai mặt của cuộc đấu tranh giành quyền làm chủ. Một
cách để tạm thời đè nén thôi thúc giết người là trở lại thăm hiện trường các
tội ác trước đó của hắn, nhằm nạp thêm sinh lực mới cho cơn cuồng tưởng.
Trực giác của McCaleb là tên giết người sẽ quay lại những nơi vứt xác hoặc
thăm các phần mộ. Việc này sẽ đưa hắn đến gần các nạn nhân của hắn hơn
và giúp hắn kiềm chế cái nhu cầu lại giết người.