thoáng thấy người lái trong khoảng chưa tới một giây, anh ta tả người đó là
dân da trắng, hoặc có tóc màu bạc hoặc đội mũ màu xám bạc.
Không còn nhân chứng nào khác được kể tên trong các báo cáo sơ bộ.
Trước khi chuyển sang các báo cáo bổ sung và biên bản khám nghiệm pháp
y, McCaleb quyết định xem mấy cuốn băng. Ông bật tivi và đầu video lên
rồi nhét vào đó đầu tiên là cuốn băng quay bằng camera giám sát nơi đặt
máy ATM.
Cũng như với cuộn băng ở chỗ Siêu thị Sherman, có một dòng đếm
giờ chạy ngang mép dưới màn hình. Băng được thu qua một thấu kính mắt
cá khiến cho hình ảnh bị bóp méo. Người đàn ông mà McCaleb cho là
James Cordell bước vào khung hình, nhét thẻ ngân hàng vào máy. Mặt anh
ta ở rất gần camera, che khuất không cho thấy gì khác. Đó là một khiếm
khuyết trong thiết kế kỹ thuật - trừ phi camera này có đó không phải để
quay những vụ cướp mà thật ra là để tóm được bộ mặt mấy tay gian trá
dùng thẻ ngân hàng ăn cắp hoặc thẻ giả.
Trong khi Cordell bấm dãy số mã PIN, anh ta do dự rồi ngoái nhìn
qua vai phải, đầu anh ta dõi theo cái gì đó vừa thoáng qua sau lưng mình -
chiếc Cherokee vừa tấp vào bãi đỗ xe. Cordell vừa bấm xong mấy cái nút
và mặt anh lộ vẻ bồn chồn. Chẳng ai thích đi rút tiền máy ATM vào ban
đêm, cho dù là một máy ở nơi sáng đèn và ít tội phạm đi chăng nữa. Máy
ATM duy nhất mà McCaleb từng dùng nằm trong một siêu thị mở cửa hai
mươi tư giờ một ngày, lúc nào cũng đông người nên khá an toàn và khiến
tội phạm phải chùn tay. Cordell bồn chồn liếc ra sau vai trái, gật đầu với ai
đó ở ngoài màn hình rồi lại quay về phía máy rút tiền. Từ sau lúc đó, không
có gì nơi kẻ mà anh vừa ngoái nhìn làm cho anh cảnh giác nữa. Hung thủ
lúc đó hẳn chưa đeo mặt nạ. Mặc dù bên ngoài Cordell có vẻ bình tâm, song
mắt anh dán xuống khe đựng tiền, tâm trí anh hẳn đang nhắc đi nhắc lại câu
thần chú thầm lặng Nhanh lên! Nhanh lên!