phải sự đau đớn của cuộc sống thực mà chính sự trống rỗng của tương lai
đã rút kiệt sức lực của họ, giết chết lòng can đảm của họ, và khiến cho
quãng hai mươi năm này trở nên đớn hèn, khốn khổ đến như vậy.
Nghĩ rằng mình đã mở ra, với thứ mỹ học mười hai âm của mình, những
triển vọng xa xăm cho lịch sử âm nhạc, Arnold Schönberg tuyên bố vào
năm 1921 rằng, nhờ có ông, sự thống trị (ông không nói “vinh quang” mà
nói “Vorherrschaft”, “sự thống trị”) của âm nhạc Đức (ông, một người Viên,
ông không nói âm nhạc “Áo”, mà nói “Đức”) sẽ được đảm bảo cho một
trăm năm mới (tôi trích hết sức chính xác, ông nói “một trăm năm”). Mười
hai năm sau lời tiên tri đó, năm 1933, vì là Do Thái ông rơi vào cảnh biệt xứ
khỏi nước Đức (chính là đất nước ông muốn đảm bảo cho cái
“Vorherrschaft”), và cùng với ông, toàn bộ thứ âm nhạc được xây dựng trên
cái mỹ học mười hai âm của ông (bị buộc tội là tối tăm, đặc tuyển, pha tạp
và vi phạm tinh thần Đức).
Lời tiên đoán của Schönberg, dù có nhầm lẫn đến đâu, vẫn hết sức quan
trọng với bất kỳ ai muốn hiểu ý nghĩa tác phẩm của ông, cái tác phẩm tự
cho là không mang tính phá hoại, khép kín, pha tạp, cá nhân chủ nghĩa, khó
nghe, trừu tượng, mà cắm rễ rất sâu vào “mảnh đất Đức” (đúng, ông nói tới
“mảnh đất Đức”); Schönberg tin rằng mình đang viết không phải một phần
kết đầy quyến rũ cho lịch sử của nền âm nhạc lớn châu Âu (đó chính là cách
tôi muốn dùng để hiểu tác phẩm của ông) mà là lời phi lộ cho một tương lai
rạng ngời đang trải ra đến ngút tầm mắt.