3
Như những nhát rìu, những ngày tháng vĩ đại chém từng nhát thật sâu
lên thế kỷ hai mươi của châu Âu. Thế chiến thứ nhất, thứ hai, rồi thứ ba, dài
nhất, được định danh là lạnh, kết thúc năm 1989 với sự tan vỡ của chủ
nghĩa cộng sản. Ngoài những ngày tháng lớn lao liên quan tới toàn thể châu
Âu, những ngày tháng có tầm quan trọng thấp hơn quyết định số phận của
từng quốc gia: năm 1936, nội chiến Tây Ban Nha; năm 1956, cuộc xâm
lăng Hungari của nga; năm 1948, khi người Nam Tư nổi dậy chống lại
Staline và năm 1991, khi tất cả họ xông vào chém giết lẫn nhau. Người
Scandinavia, người Hà Lan, người Anh được hưởng sự ưu tiên không biết
đến ngày tháng quan trọng nào sau năm 1945, điều này cho phép họ sống
nửa thế kỷ trống trơn đến tuyệt diệu.
Lịch sử của người Séc, trong thế kỷ này, được phú cho một vẻ đẹp toán
học đáng kể nhờ vào sự lặp lại ba lần của con số hai mươi. Năm 1918, sau
nhiều thế kỷ, họ giành được độc lập và, năm 1938, đánh mất nó.
Năm 1948, được nhập khẩu từ Matxcơva, cuộc cách mạng cộng sản mở
màn cho quãng hai mươi năm thứ hai, khoảng thời gian sẽ kết thúc vào năm
1968 khi người Nga, tức tối chứng kiến cuộc tự giải phóng của họ, đổ nửa
triệu lính vào đất nước.
Chính quyền chiếm đóng thiết lập được quyền lực toàn bộ vào mùa thu
1969 và ra đi, khi mà không ai chờ đợi, vào mùa thu 1989, một cách nhẹ
nhàng, một cách lịch thiệp, giống như cách của tất cả các chế độ cộng sản
khác của châu Âu khi ấy: quãng thời gian hai mươi năm thứ ba.
Chỉ có trong thế kỷ của chúng ta những ngày tháng lịch sử mới chụp lấy
cuộc đời của mỗi con người theo cách ngốn ngấu như thế. Không thể hiểu
được sự tồn tại của Irena ở Pháp nếu trước đó không phân tích các ngày
tháng, một người nhập cư từ các nước cộng sản ít được yêu mến tại đó; hồi
ấy người Pháp coi chủ nghĩa phát xít mới là cái ác thực thụ duy nhất: Hitler,
Mussolini, Tây Ban Nha của Franco, các nền độc tài Mỹ Latinh. Chính vào
giai đoạn đó, năm 1969, Irena và chồng chuyển đến sống ở Pháp. Họ nhanh