4
Ngay những tuần đầu tiên sau khi nhập cư xong, Irena có những giấc mơ
kỳ lạ; cô ở trong một cái máy bay đang đổi hướng và đổ xuống một sân bay
xa lạ; những người mặc đồng phục, mang súng, đợi sẵn cô ở chân cầu
thang; một giọt mồ hôi lạnh trên trán, cô nhận ra cảnh sát Séc. Một lần
khác, cô lang thang trong một thành phố nhỏ ở Pháp thì nhìn thấy một
nhóm đàn bà kỳ cục, mỗi người cầm trên tay một cốc bia, chạy về phía cô,
chào cô bằng tiếng Séc, cười theo lối lịch sự đầy cạm bẫy, và, hoảng sợ,
Irena nhận ra mình đang ở Praha, cô hét lên, và tỉnh dậy.
Martin, chồng cô, cũng có những giấc mơ đó. Sáng nào họ cũng kể cho
nhau nỗi hãi hùng của cuộc trở lại quê hương. Rồi, trong một lần nói
chuyện với một cô bạn Ba Lan, cũng là dân nhập cư, Irena nhận ra rằng tất
cả những người nhập cư đều có những giấc mơ ấy, tất cả, không ngoại lệ;
thoạt tiên cô cảm động vì thứ tình thân ban đêm của những con người
không quen biết nhau, rồi sau đó thấy hơi bực bội: làm thế nào mà cái trải
nghiệm riêng tư đến vậy về một giấc mơ lại có thể trở thành một thứ tài sản
chung được? Vậy thì cái tâm hồn riêng có của cô là gì? Nhưng những câu
hỏi không lời giải đáp đó chẳng hề có ích lợi. Một điều chắc chắn: hàng
nghìn người nhập cư, trong cùng một đêm, với vô số biến thể, cùng mơ một
giấc mơ. Giấc mơ nhập cư: một trong những hiện tượng kỳ lạ nhất của nửa
thế kỷ sau thế kỷ hai mươi.
Những giấc mơ – ác mộng đó với cô lại càng thêm phần bí hiểm vì cùng
lúc cô phải chịu đựng một nỗi hoài nhớ bất kham và một trải nghiệm khác
hoàn toàn trái ngược: ban ngày, những cảnh trí của đất nước cô hiện ra.
Không, đó không phải là một cơn mơ mộng, dài và có ý thức, được mong
muốn, mà là một thứ khác hẳn: những cảnh trí hiện ra ấy cháy bùng trong
đầu cô, đầy bất ngờ, đột ngột, nhanh chóng, và ngay lập tức tắt biến đi. Cô
đang nói chuyện với sếp thì bỗng nhiên, như một tia chớp, cô nhìn thấy một
con đường chạy ngang qua cánh đồng. Cô bị xô đẩy trong toa tàu điện
ngầm và, đột ngột, một lối đi nhỏ trong một khu phố đầy cây xanh của